12:08 26/03/2015

Chứng khoán sáng 26/3: GAS đã được cứu?

Lan Ngọc

Sự thất vọng với GAS lại tiếp nối những phút đầu phiên sáng nay, nhưng lần này lực cầu vào đủ tốt để chặn đà giảm

VN-Index vẫn chưa thể thoát khỏi sức ép của các blue-chips.
VN-Index vẫn chưa thể thoát khỏi sức ép của các blue-chips.
Sự thất vọng với GAS lại tiếp nối những phút đầu phiên sáng nay, nhưng lần này lực cầu vào đủ tốt để chặn đà giảm. Lượng mua xếp khá dày quanh mức sàn đã phần nào giúp nhà đầu tư trấn tĩnh lại.

GAS mua cổ phiếu quỹ như thế nào là chủ đề được bàn tán khắp nơi từ hôm qua đến nay. GAS sẽ mua đỡ giá hay chặn giá? Thanh khoản tiếp tục cao chứng tỏ có tiền lớn vào.

Sáng nay GAS lại bị xả ồ ạt từ sớm và giá một lần nữa lại rơi xuống mức sàn. Trong khi các cổ phiếu dầu khí khác phản ứng khá tốt với việc giá dầu đêm qua tăng thì GAS lại đi một đường riêng. Có thể nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục thoát ra mạnh mẽ, hoặc có cả nhà đầu tư trong nước bán ra. Dù sao những ai đầu cơ GAS vài ngày trước để mong lướt sóng nhân dịp GAS mua cổ phiếu quỹ đang thất vọng tràn trề. Điều này có khả năng dẫn tới áp lực cắt lỗ.

GAS đã được hàng trăm ngàn cổ phiếu xếp lệnh đỡ ở 3 mức giá thấp nhất. Chốt phiên sáng, GAS giảm thêm 3,57% nữa. Chỉ trong 1,5 phiên, GAS đã rơi trở lại mức giá đầu năm 2015.

Các cổ phiếu dầu khí còn lại có sự phục hồi khá tốt sáng nay. PVD tăng 3,18%, PVS tăng 2,68%, PVC tăng 1,8%, PVB tăng 3,07%, PLC tăng 1,19%. Ở HSX, GAS vẫn kéo điểm số rất mạnh nhưng tại HNX, các mã dầu khí lại đẩy điểm số lên. VN-Index đang giảm 0,61% còn HNX-Index tăng 0,11%, HNX30-Index tăng 0,35%.

Về độ rộng, HNX30 có độ ổn định cao hơn VN30. Rổ HNX30 ghi nhận 10 mã tăng/8 mã giảm và trọng số của các mã vốn hóa lớn chiếm ưu thế. Ngược lại, VN30-Index đang giảm 0,28% với 15 mã giảm/10 mã tăng. Chỉ có PVD, MBB là trên tham chiếu tương đối vững vì được chặn mua giá xanh lớn, còn lại có thể quay về tham chiếu bất kỳ lúc nào.

Ngoài ra, mức giảm giá ở HNX30 tương đối nhẹ. Chỉ có duy nhất 2 cổ phiếu mất trên 1% là FIT, giảm 1,04% và SCR giảm 1,3%. Ngược lại VN30 ghi nhận nhiều mã lớn giảm mạnh như BVH giảm 1,11%, HAG giảm 0,94%, HSG giảm 3,22%, ITA giảm 1,37%, MSN giảm 1,27%, SSI giảm 0,95%, VIC giảm 0,83% và VNM giảm 0,93%.

Các cổ phiếu ngân hàng sáng nay cũng khởi sắc, góp phần hạn chế ảnh hưởng của GAS: BID tăng 2,3%, CTG tăng 1,12%, MBB tăng 0,74%, EIB tăng 0,78%, STB tăng 0,52%. Riêng VCB vẫn giảm 0,28%.

Mặc dù có thể đổ lỗi cho các cổ phiếu lớn vẫn đang tạo nên xu thế giảm khó cưỡng lạ ở các chỉ số, đặc biệt trên HSX, nhưng nhìn từ độ rộng, thị trường vẫn đang trong đà giảm, dù không hoảng hốt như đầu phiên. HSX ghi nhận 90 mã giảm/70 mã tăng, HNX ghi nhận 81 mã giảm/56 mã tăng.

Mức rơi sâu nhất của VN-Index đạt được trong khoảng 1 giờ đầu tiên. Chỉ số lùi về tận 553,19 điểm, giảm 1,38%, thấp hơn cả mức đáy ngày 4/2 vừa qua. Độ rộng thị trường rất hẹp chứng tỏ không chỉ có GAS giảm sàn mới tạo nên thời điểm sụt giá mạnh như vậy. VN30 lúc đó chỉ có được 5 cổ phiếu trụ lại tham chiếu, còn đồng loạt giảm. Thậm chí BID, CTG cũng không thoát khỏi áp lực giảm chung.

Lực cầu bắt đáy lại xuất hiện trong thời điểm khốn khó nhất và tạo được hiệu ứng phục hồi tương tự ngày 24/3. Tuy nhiên thanh khoản vẫn là vấn đề khó khăn. Tổng giá trị khớp hai sàn phiên sáng tăng khoảng 12% so với sáng hôm qua, đạt 1.020,9 tỷ đồng. Quy mô này một phần không nhỏ là do HAI giao dịch đột biến tới 130,5 tỷ đồng. GAS, PVD cũng giao dịch lớn nhưng không vượt sáng hôm qua là bao nhiêu. Các mã còn lại đều khớp rất nhỏ.

Nhìn vào rổ VN30 chẳng hạn, giá trị khớp lệnh đã giảm 2% so với sáng hôm qua mặc dù quy mô khớp chung của HSX vẫn tăng gần 10%.

Nhà đầu tư nước ngoài giảm mua mạnh qua khớp lệnh ở HSX, chỉ còn rót vào 41,6 tỷ đồng, giảm 55% so với phiên sáng trước. Một giao dịch thỏa thuận khá lớn xuất hiện ở JVC với gần 9,9 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa rõ là giao dịch nội khối hay mua thêm. Chỉ có 3 cổ phiếu khác được mua vào trên 5 tỷ đồng là VCB, BID và DXG.