12:12 27/10/2016

Chứng khoán sáng 27/10: Đột biến tại ROS

Lan Ngọc

ROS tiếp tục là cổ phiếu gây chú ý lớn khi vốn hóa lọt vào nhóm 10 mã cao nhất ở sàn HSX

VN-Index được các mã trụ truyền thống kéo hồi trở lại những phút cuối phiên.
VN-Index được các mã trụ truyền thống kéo hồi trở lại những phút cuối phiên.
Thị trường đã cân bằng lại về cuối phiên sáng nay nhưng thanh khoản vẫn rất kém. Giao dịch bùng nổ chủ yếu từ hoạt động xả hàng ở ROS khi cổ phiếu này chiếm trên 14% giá trị thị trường.

Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh hai sàn phiên sáng tăng khoảng 10% so với sáng hôm qua, đạt 930,9 tỷ đồng, vẫn là con số rất thấp. Đặc biệt mức thanh khoản này chủ yếu là do ROS giao dịch rất cao, chiếm 14,2% khi khớp lệnh 132,1 tỷ đồng giá trị.

Chỉ riêng sáng nay, ROS chắc chắn đã lập kỷ lục về thanh khoản trong khoảng thời gian lên sàn ngắn ngủi.

ROS tiếp tục là cổ phiếu gây chú ý lớn khi vốn hóa lọt vào nhóm 10 mã cao nhất ở sàn HSX. Hôm nay ROS bị xả lớn với khoảng 130,6 tỷ đồng giá trị cổ phiếu giao dịch dưới tham chiếu, mức giảm sâu nhất là tới giá sàn 68.900 đồng. Ở giá sàn, ROS cũng giao dịch tới 38,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong khoảng 10 phút cuối phiên sáng, ROS lại tăng giá mạnh từ 69.000 đồng lên 75.000 đồng, tương đương đột biến 1,45% trong thời gian rất ngắn.

Mặc dù đã tăng trở lại nhưng vai trò chi phối VN-Index của ROS đã giảm xuống đáng kể. Cổ phiếu này đứng thứ 4 trong thang bậc ảnh hưởng lên chỉ số. Các blue-chip truyền thống đã giành lại vai trò của mình.

Dẫn đầu là VCB với mức tăng giá 1,27% nhưng vốn hóa gấp gần 4 lần ROS nên cộng cho VN-Index gần 0,8 điểm hay 0,09%. Tiếp đến là VIC, tăng giá 0,82%, vốn hóa gấp 3,5 lần ROS, cộng cho chỉ số 0,07% điểm tăng. Thứ ba là VNM, tăng giá kém nhất 0,35% nhưng vốn hóa gấp 6,4 lần, cộng vào thêm 0,06%.

Sức mạnh của VN30 ảnh hưởng lên VN-Index là rất rõ khi chỉ số này đang tăng 0,05%, là chỉ số vốn hóa duy nhất ở HSX tăng. Rổ này tăng nhẹ hơn VN-Index chủ yếu do vốn hóa của các mã lớn bị giới hạn. Độ rộng của rổ là cân bằng với 14 mã tăng/10 mã giảm.

Ưu thế vốn hóa nghiêng về các mã tăng. Số giảm giá đáng kể chỉ còn MSN giảm 1,67%, BID giảm 1,45%, CTG giảm 0,29%, HPG giảm 0,13%, STB giảm 0,22%.

Toàn sàn HSX có độ rộng khá ổn với 103 mã tăng/102 mã giảm. Tuy nhiên điều bất lợi là thanh khoản rất kém. Khi tính cả ROS, giá trị khớp lệnh ở sàn này tăng nhẹ gần 9%. Rổ VN30 không có ROS, giao dịch giảm hơn 1%. Nếu tính 20 cổ phiếu giao dịch lớn nhất sáng nay so với sáng hôm qua và cùng trừ đi giao dịch của ROS, giá trị giảm khoảng 10%.

Sàn HNX có giá trị giao dịch bất ngờ tăng gần 20% so với sáng hôm qua. Cũng giống HSX, HNX chủ yếu dựa vào TTH, HKB, SCR để tạo thanh khoản. Chỉ 3 mã này đã chiếm luôn 39% giá trị sàn.

HNX-Index đang giảm 0,02% với 60 mã tăng/86 mã giảm. Rổ HNX30 lại tăng 0,05% dù chỉ có 6 mã tăng/10 mã giảm. Sàn này có lợi thế là SHB và ACB đứng được tham chiếu, trong khi PVS tăng 1,02%, SCR tăng 1,06%, VCS tăng 0,84%.

VN-Index sáng nay tiếp tục có những biến động rất mạnh. Chỉ số thoát khỏi vùng giảm điểm và tăng lên 675,08 điểm lúc 9h53 nhưng sau đó lại tạo đáy ở 671,61 điểm lúc 10h50. Trong khoảng 30 phút cuối, khi những trụ lớn truyền thống phục hồi tốt, VN-Index lại một lần nữa được đẩy phục hồi qua tham chiếu.

Mặc dù sáng nay thanh khoản có tăng so với sáng hôm qua nhưng tiếp tục ở mức thấp dưới 1.000 tỷ đồng. Đây là phiên sáng thứ hai quy mô giao dịch kém như vậy.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng nhẹ ở sàn HSX do phía mua chỉ có CII là đáng kể về khối lượng ròng, nhưng giá trị lại nhỏ. VNM cũng được mua ròng thì khối lượng lại quá bé. Phía bán có DXG, SSI, VIC, HPG, DPM đều là các cổ phiếu có thị giá khá cao. Mức bán ròng ở HSX là trên 15 tỷ đồng, HNX được mua ròng nhẹ hơn 2 tỷ đồng.