Chứng khoán sáng 27/10: OGC lao sàn, thị trường trì trệ
Bất chấp thông tin mới có vẻ tích cực liên quan đến việc bán bớt tài sản, nhà đầu tư vẫn tranh nhau xả OGC
Bất chấp thông tin mới có vẻ tích cực liên quan đến việc bán bớt tài sản, nhà đầu tư vẫn tranh nhau xả OGC. Lực lượng bắt đáy thất bại nhanh chóng sau vài phút giao dịch.
Cho đến phiên sáng nay, thị trường đã có đủ thời gian để ngấm hết thông tin với OGC. Ngay đầu giờ sáng có tin OGC lãi 500 tỷ đồng trong thương vụ chuyển nhượng Ocean Retail. Thông tin này không tạo được hiệu quả gì đáng kể, có chăng là giúp một số nhà đầu tư thoát được OGC giá tốt hơn mức sàn.
Ngay cả khi thông tin rất tiêu cực xuất hiện, tâm lý bắt đáy vẫn lan tràn trên thị trường. Sáng nay lại có thêm chừng 65,2 tỷ đồng nữa lao vào mua OGC. Trong số này, khoảng 17,9 tỷ đồng mua trên giá sàn 10.200 đồng, số còn lại mua giá sàn.
Áp lực bán tại OGC thay đổi khá nhiều hôm nay và thể hiện một cách bán khá chuyên nghiệp. Không xuất hiện ồ ạt trong nửa đầu phiên, cách bán đã tạo cảm giác lượng hàng muốn thoát ra giảm đi. Tuy nhiên tại các mức giá trên giá sàn, lượng cung xuất hiện từ tốn và rất dồi dào. Đến khi cầu đỡ không còn đủ nữa, OGC bắt đầu bị xả giá sàn. Cho đến hết phiên sáng, cổ phiếu này vẫn còn gần 952.000 cổ phiếu chờ bán sàn và đang mất thanh khoản.
Phiên bán sàn sáng nay cho thấy việc OGC phục hồi cuối tuần trước chỉ là những hiệu ứng bình thường của việc bắt đáy. Rất nhiều nhà đầu tư vẫn chưa biết được thông tin tiêu cực trong thời điểm đó và chấp nhận mạo hiểm mua vào. Khi thị trường bắt đầu nắm thông tin rộng hơn, các mức chịu đựng rủi ro khác nhau đã khiến nhiều nhà đầu tư khác thực hiện cắt lỗ.
Hành động bán sớm và bán quyết liệt trong ngày 23/10 cho đến hôm nay đã thể hiện được hiệu quả, dù mức lỗ là khó đo đếm. Ít nhất nhà đầu tư bán sớm đã giảm thiệt hại được trên 9% nếu bán ra vào hôm nay. Một thực tế nữa là ngay cả phiên này, nếu bán chậm, khả năng thoát ra cũng là khó khăn.
Với những nhà đầu tư bắt đáy trong ngày 23/10, còn hơi sớm để khẳng định đó hoàn toàn là những nhà đầu tư lớn có khả năng mạo hiểm cao. Nếu OGC rơi tiếp một phiên nữa, mức lỗ T+3 sẽ là trên 15%, một ngưỡng lỗ không dễ chấp nhận. OGC ít nhất phải trải qua thử thách lớn khi lượng hàng của ngày 23/10 về đến tài khoản.
OGC dường như không tác động quá mạnh đến thị trường nếu chỉ nhìn vào mức giảm của VN-Index. Chỉ số này mất 0,26% cho tới lúc tạm nghỉ, VN30-Index giảm 0,66%. HNX-Index giảm 1,04% và HNX30-Index giảm 0,96%.
Các chỉ số khác giảm khá mạnh và VN-Index không thực sự phản ánh được mối lo ngại trên thị trường. GAS tăng 0,96% đã giảm thiệt hại cho VN-Index, nhưng độ rộng của sàn này rất tệ: 144 mã giảm/47 mã tăng. VN30 thậm chí có duy nhất VSH tăng 0,7%, còn lại 23 mã giảm. HNX có 126 mã giảm/37 mã tăng.
Độ rộng thị trường thể hiện một mức lo ngại lớn trên toàn thị trường. Mức lo ngại này có thể không lớn bằng sự kiện “bầu Kiên”, nhưng không thể nói là không ảnh hưởng đến thị trường. Đà giảm rất rộng và mức giảm tương đối lớn và tổng cộng hai sàn có tới 135 mã giảm trên 2% sáng nay.
Thanh khoản sụt giảm cực mạnh cũng là dấu hiệu lo ngại và thận trọng rất cao của nhà đầu tư. Nếu như sự kiện tác động đến duy nhất OGC, tại sao nhà đầu tư phản ứng gần giống nhau: Giảm mua vào trên toàn thị trường đồng thời bán ra đồng loạt ở các mã khác?
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn trong phiên sáng chỉ có 885,1 tỷ đồng, giảm 22% so với phiên trước. Khớp phiên sáng dưới 900 tỷ đồng là rất bất thường, mức thấp nhất kể từ tháng 7 vừa qua.
Ngay cả nhà đầu tư nước ngoài cũng không thực hiện giao dịch lớn trong sáng nay. Khối này giảm mua đáng kể với toàn bộ các blue-chips. Duy nhất VSH đang được mua 240.310 cổ phiếu là đáng chú ý. Lực mua này cũng là nguyên nhân giúp VSH là cổ phiếu duy nhất tăng giá trong rổ VN30. Ngay cả khi VSH tăng, cũng không thể hiện là nhà đầu tư trong nước đánh giá tích cực đến thị trường: Khối ngoại mua chiếm tới 64% thanh khoản của VSH.