12:09 27/04/2015

Chứng khoán sáng 27/4: Cố chạy qua “cánh cửa hẹp” OGC

Lan Ngọc

Chỉ có đúng một phiên duy nhất cho cổ đông thất vọng chạy khỏi OGC nếu không sẽ phải ôm niềm đau qua kỳ nghỉ dài

VN-Index gục xuống dưới tham chiếu đúng phút cuối do GAS khớp xuống giá đỏ.
VN-Index gục xuống dưới tham chiếu đúng phút cuối do GAS khớp xuống giá đỏ.
Chỉ có đúng một phiên duy nhất cho cổ đông thất vọng chạy khỏi OGC nếu không sẽ phải ôm niềm đau qua kỳ nghỉ dài. Vì thế không có gì bất ngờ khi C

Đến tận cuối tuần rồi cổ đông OGC mới biết chắc chắn về việc ngân hàng Oceanbank bị mua lại với giá 0 đồng và OGC mất trắng khoản vốn đầu tư vào đây. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 chắc chắn sẽ có thay đổi trọng yếu và khác hoàn toàn báo cáo ước tính đã công bố trước đó.

Việc lợi hay thiệt của sự kiện trọng yếu này đối với OGC vẫn còn đang gây tranh cãi lớn, nhưng những gì thể hiện trong bảng điện chắc chắn thể hiện một điều: Rất nhiều nhà đầu tư đã đánh cược sai về OGC, và những quyết định sửa sai lúc này là quá muộn.

Mở cửa phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ kéo dài hết tuần, những ai muốn thoát ra khỏi OGC cũng không hề dễ: Hơn 13 triệu cổ phiếu tranh nhau bán giá sàng và với một khối lượng lớn như vậy, cánh cửa khép hờ đã thành khép hẳn. OGC chỉ giao dịch 605.740 cổ phiếu, còn ế 12,57 triệu cổ giá sàn. 

Thực tế sau khi Ngân hàng Xây dựng bị mua lại giá 0 đồng và các thông tin bên lề lẫn chính thức “úp mở” về Oceanbank cũng được hé lộ, nhưng vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư đánh cược vào OGC. Trong suốt 7 tháng giảm đang diễn ra, đã rất nhiều đợt đánh cược phải trả giá rất đắt và với biến động giá của OGC, chắc chắn rất ít nhà đầu cơ có lợi nhuận dù chỉ là không đáng kể. Từ quan điểm ngắn hạn, OGC đã chôn vùi một lớp đông các nhà đầu cơ mạo hiểm.

OGC là điểm nhấn duy nhất trong một phiên giao dịch thiếu sinh khí, do tâm lý nghỉ lễ đã quá lớn. Thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng nhưng không hẳn xuất phát từ bản thân thị trường xấu, mà chủ yếu do nhà đầu tư ngại giao dịch. Độ rộng thị trường vẫn nghiêng nhẹ về phía giảm, nhưng blue-chips vẫn là nền tảng tích cực.

VN-Index chốt phiên sáng giảm nhẹ 0,01% chủ yếu do GAS giảm 0,76%. VN30-Index vẫn đang tăng 0,3% với 10 mã tăng/12 mã giảm. Độ rộng này thể hiện một sự cân bằng tốt và nhóm ngân hàng tỏ ra tích cực hơn dầu khí. Ngoài GAS giảm, PVD cũng giảm 0,88%, PVT giảm 1,57%.

Cũng không phải tất cả các mã ngân hàng đều tăng: VCB giảm nhẹ 0,27%, BID, EIB, SHB tham chiếu, nhưng CTG tăng 1,13%, MBB tăng 0,74%, STB tăng 1,14%, ACB tăng 3,07%. Dù sao nhóm ngân hàng cũng tăng tốt nhất nếu xét theo toàn ngành.

Ngoài ra khá nhiều blue-chips khác trong rổ VN30 cũng tăng như BVH, CII, FPT, HCM, HPG, HSG, MSN. Yếu tố vốn hóa tốt hơn so với số giảm, bao gồm những mã tầm trung như SSI, KBC, HVG, GMD, HAG, DRC, CSM…

Sàn Hà Nội lại ngược hoàn toàn so với HSX, khi quá nhiều blue-chips sụt giảm. HNX30 giảm 0,72% trong khi HNX-Index chỉ giảm 0,15%. Trong nhóm dầu khí chỉ có PVG tăng 2,11%, còn lại PVS giảm 1,51%, PVC giảm 0,83%, PVB giảm 1,55%, PLC giảm 1,52%, PGS giảm 0,49%.

Toàn bộ nhóm chứng khoán lớn giảm: VND giảm 1,83%, KLS giảm 2,2%, SHS giảm 2,47%, BVS giảm 1,46%.

Nhóm bất động sản ở sàn này đáng chú ý là SCR giảm sàn sau khi có tin thay đổi cơ cấu hội động quản trị. Cổ phiếu này đang mất thanh khoản ở giá sàn.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn trong phiên sáng đạt con số rất thấp, khoảng 583,2 tỷ đồng. Duy nhất 4 mã trên thị trường khớp lệnh từ 20 tỷ đồng trở lên là CII, HHS, FPT và CTG.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm mua tại HSX, chỉ có 42,2 tỷ đồng được giải ngân. CTG đang là cổ phiếu dẫn đầu với mức mua trên 10,1 tỷ đồng, chiếm gần 46% thanh khoản. PVD, VIC cũng được mua khá tốt nhưng cũng chỉ từ 5 tỷ đồng trở xuống.