13:05 28/01/2016

Chứng khoán sáng 28/1: Quá thảm cho HNG

Lan Ngọc

Sau khi HAG được tạo đáy cách đây 4 phiên thì đến lượt HNG lao sàn liên tục 4 phiên

VN-Index rất nỗ lực phục hồi về cuối phiên, nhưng vẫn chưa lấy lại được tham chiếu. ảnh Tvsi
VN-Index rất nỗ lực phục hồi về cuối phiên, nhưng vẫn chưa lấy lại được tham chiếu. ảnh Tvsi
Sau khi HAG được tạo đáy cách đây 4 phiên thì đến lượt HNG lao sàn liên tục 4 phiên.

HNG là công ty con của HAG và lâu nay được duy trì mức giá cao gấp nhiều lần so với HAG. Khi HAG loanh quanh 10.000 đồng thì HNG vẫn trụ vững ở quanh 28.000 đồng. Việc HAG rớt thảm dường như không ảnh hưởng nhiều tới HNG, nhưng đến gần đây thì tình hình trở nên xấu.

HNG đã sụt giảm liên tục trong 13 phiên vừa qua với mức giảm gần 39%. Sáng nay cổ phiếu này tiếp tục giảm sàn thêm 6,78% nữa và mất thanh khoản. HNG đã giảm sàn liên tục đến nay là 3,5 phiên. Hơn 2 triệu cổ đang tranh bán sàn nhưng mới “thoát” hơn 2.000 cổ phiếu.

Việc HNG mất giá trị quá nhanh có thể dẫn đến những hệ lụy xấu nếu như được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các giao dịch khác. Đây là điều thị trường lo ngại. Thêm nữa thanh khoản của HNG rất kém trong lịch sử niêm yết ngắn ngủi. Mức giao dịch trung bình tháng của HNG thời điểm trước khi bắt đầu lao dốc từ giữa tháng 1 chỉ trên 300.000 cổ phiếu/ngày.

Với diễn biến chung của thị trường, việc FED không tăng lãi suất đêm qua mà phát đi những thông tin thận trọng về nền kinh tế Mỹ đã khiến chứng khoán nước này sụt mạnh. Điều đó đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong nước sáng nay.

Giao dịch trở nên thận trọng đáng kể và VN-Index trồi sụt mạnh trong phiên. Chỉ số này có lúc tiến sát 550 điểm nhưng sau đó lại rơi xuống 539,41 điểm, trước khi hồi lại một chút về cuối phiên. Vẫn chưa thể lấy lại được ngưỡng tham chiếu, VN-Index đang giảm 0,14%.

Vn30-Index khá hơn nhưng cũng chỉ tăng được 0,01% so với tham chiếu. Một số blue-chips suy yếu trong rổ này cũng tác động đến cả thị trường.

Giá dầu đang giảm hơn 1% và chứng khoán Trung Quốc giảm 0,48% có lẽ không ảnh hưởng nhiều bằng chứng khoán Mỹ đêm qua. DownJones giảm 1,38% và S&P500 giảm 1,08%. Thị trường trong nước không hưng phấn nhưng cũng không rơi vào trạng thái bi quan.

Hai trụ dầu khí ở HSX giao dịch tốt: GAS tăng 0,55% và PVD tăng 1,4%. Nhóm dầu khí ở HNX không ổn định. PVS giảm 2,72% sau khi có tin lợi nhuận sau thuế quý 4/2015 giảm quá mạnh do ảnh hưởng của giá dầu. PVG cũng giảm 1,37% nhưng PGS tăng 3,95%, PVC tăng 0,77%.

Thực ra cổ phiếu dầu khí cũng đã suy yếu trong phiên hôm nay. Từ GAS đến PVD hay PGS dù vẫn tăng, nhưng là thụt lùi đáng kể so với mức cao nhất đầu phiên.

Nhóm trụ ngân hàng cũng phân hóa giống dầu khí: VCB tăng 0,49%, STB tăng 0,89%, MBB tăng 1,41%, nhưng CTG giảm 0,57%, BID giảm 0,58%, ACB giảm 0,53%.

Những mã lớn khác ảnh hưởng xấu lên VN-Index là BVH giảm 0,4%, MSN giảm 1,36%, KDC giảm 0,44%, HAG giảm 2,27%, DPM giảm 0,35% và GMD giảm 0,74%.

Sàn Hà Nội cũng có biến động khá giống HSX khi chỉ số chính giảm 0,28% nhưng HNX30 vẫn tăng nhẹ 0,06%. Thực ra các chỉ số hẹp tăng là nhờ đợt phục hồi chậm ở cuối phiên, sau khi đã chứng kiến một nhịp điều chỉnh khá mạnh trước đó.

Thanh khoản hai sàn phiên sáng tăng hơn 2% về giá trị, đạt 1.136,7 tỷ đồng khớp lệnh. Mức tăng này chủ yếu là nhờ HNX, giao dịch 284,3 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với sáng hôm qua. Quy mô khớp lệnh ở HSX là giảm.

Thanh khoản đột biến của HNX cũng tập trung vào SCR, cổ phiếu khớp thành công gần 97,2 tỷ đồng giá trị sáng nay. Mức giao dịch này rất có thể sẽ là kỷ lục của SCR từ tháng 2 năm ngoái. Hôm nay SCR giao dịch lớn nhất thị trường và rất hiếm khi một cổ phiếu ở HNX vượt mặt tất cả các mã siêu thanh khoản ở HSX. Giá SCR cũng tăng 6,82%.

Giao dịch mua trên HSX của khối ngoại sáng nay đột ngột yếu đi, chỉ bằng một nửa sáng hôm qua với 37,2 tỷ đồng. 3 cổ phiếu được mua nhiều nhất là BHS, VIC và SSI, chiếm gần 57% lượng vốn vào nói trên. Trong số này chỉ có BHS là tăng 2,16%.