Chứng khoán sáng 4/5: Vượt 720 điểm, tiền ào vào mua
Khi VN-Index nhích dần lên và vượt qua 720 điểm, nhà đầu tư đổ xô vào mua, đẩy giá cổ phiếu tăng hàng loạt
Giao dịch hồ hởi đã diễn ra sáng nay sau khi nửa phiên trôi qua trong ngập ngừng. Đến khi VN-Index nhích dần lên và vượt qua 720 điểm, nhà đầu tư đổ xô vào mua, đẩy giá cổ phiếu tăng hàng loạt.
VN-Index chốt phiên sáng tăng 0,41% so với tham chiếu. Đó không phải là kết quả dễ dàng vì nửa đầu phiên, đến tận 10h30, chỉ số vẫn còn đang giảm. VNM và VCB là hai cổ phiếu tạo nên sự đột biến trong nửa sau của phiên, đồng thời cũng là những mã quan trọng nhất đẩy VN-Index tăng vượt 720 điểm.
Thị trường èo uột trong nửa đầu phiên là do các trụ lớn bất ngờ chững lại. Đáng kể nhất là VNM báo trên bảng điện mức giảm mạnh. Thực ra đó là do ngày giao dịch không hưởng quyền và VNM được điều chỉnh giá tham chiếu. Trụ này chập chững đến tận 10h15 với mức tăng rất nhẹ (so với giá tham chiếu mới).
Từ sau 10h30, có lẽ nhà đầu tư nhận ra sự thay đổi giá hoặc cũng do nhà đầu tư nước ngoài tung tiền ra mua, VNM bắt đầu tăng rất nhanh từ mức 146.600 đồng lên tận 149.000 đồng, tức là tăng 1,64% chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. VNM tăng trên 1% thì VN-Index bốc lên hơn 1 điểm.
Rất phù hợp là VCB cũng có biến động tương tự VNM. Cổ phiếu này giảm nhẹ 0,2% trong nửa đầu phiên sáng và đến khi nhà đầu tư nước ngoài ào vào mua, giá cũng bay cao rất nhanh. Từ 10h15 đến hơn 11h, VCB tăng từ 35.500 đồng lên tận 36.600 đồng, tương đương tăng 3,1%. Vốn hóa của VCB tuy kém VNM nhưng cũng rất lớn.
Đặc biệt là cả VCB lẫn VNM đều chuyển động giống nhanh cùng thời điểm. Sự hợp lực của hai mã này là yếu tố quyết định kéo VN-Index lên và tạo sự lan tỏa rộng rãi sang số lớn cổ phiếu khác.
Những phút cuối phiên, VCB và VNM đều chững lại, tụt nhẹ và VN-Index cũng không duy trì được đỉnh cao nhất, nhưng vẫn tăng 0,41% với 147 mã tăng/92 mã giảm. VN30-Index tăng 0,41% với 16 mã tăng/13 mã giảm. VCB và VNM cộng cho VN-Index gần 2,2 điểm trong khi chỉ số tăng 2,98 điểm.
Nhiều blue-chips khác cũng tăng giá, nhưng so với hai trụ chính nói trên thì tác động kém hơn nhiều. Đó là STB tăng 4,29%, BID tăng 1,81%, CTG tăng 2%, PLX tăng 1,39%, VJC tăng 0,63%...
Phía giảm, SAB mất 0,65%, lấy đi khoảng 0,3 điểm từ chỉ số. MSN giảm 1,58%, VIC giảm 0,37%, GAS giảm 0,18%, MBB giảm 0,6%, BVH giảm 0,34%.
Sàn HNX hơi buồn là các trụ làm việc không hiệu quả. ACB tăng 0,42% là quá nhẹ trong khi SHB giảm 2,67%. VCS tăng 2,09% thì PVS giảm 1,2%. NTP, PVI cũng giảm khá mạnh. HNX-Index tăng 0,04% trong vài phút cuối với 83 mã giảm/76 mã tăng, HNX30 vẫn đang giảm 0,14% với 10 mã giảm/16 mã tăng.
Thanh khoản sáng nay cũng rất ấn tượng. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn tăng gần 18% so với sáng hôm qua, đạt 2.654,1 tỷ đồng. Tuy nhiên sáng nay ROS giảm 28% quy mô giao dịch so với sáng hôm qua, tức là các cổ phiếu khác có thanh khoản tăng rất mạnh. Quả thực nếu trừ đi ROS thì giá trị giao dịch đã tăng tới gần 36% so với sáng hôm qua.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tháo chạy ở PVD, bán ra hơn 26,6 tỷ với 1,72 triệu cổ phiếu. Giá PVD giảm thêm 6,06% nhưng không đến mức sàn. Nhà đầu tư trong nước bắt đáy khá lớn bất chấp cổ phiếu này đã thủng đáy trong lịch sử. Ngoài PVD, khối ngoại bán mạnh DIG, CDO, DPM, KBC, BID, NT2, SSI, HBC, PDR, VIC, HPG.
Phía mua, VCB, VNM, GAS là các blue-chips được mua đáng kể nhất. Số còn lại toàn các mã ít quan trọng như HAG, FLC, HHS, DXG, HQC, HCD, LSS…
Tính chung, HSX chỉ được mua ròng hơn 6 tỷ đồng còn HNX mua ròng chưa tới 3 tỷ đồng.