Chứng khoán sáng 7/1: Trụ vững trước áp lực chốt lời
Thêm một phiên sáng giá được đẩy lên khá cao bất chấp giá dầu sụt giảm sâu hôm qua
Thêm một phiên sáng giá được đẩy lên khá cao bất chấp giá dầu sụt giảm sâu hôm qua. Tuy nhiên đến những phút cuối phiên sáng, lực chốt lời tăng mạnh đã ép giá lùi đáng kể.
VN-Index đạt đỉnh sáng nay lúc 10h46 với mức tăng 1,12% và độ rộng rất tốt. HNX-Index đạt đỉnh tương ứng với mức tăng 1,25%. Đỉnh cao nhất của các chỉ số này đều vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng, chẳng hạn VN-Index lên 555,83 điểm, HNX-Index đạt 84,86 điểm.
Hàng trăm cổ phiếu tăng giá và đặc biệt hơn là nhóm dầu khí dường như miễn nhiễm với biến động giá dầu thế giới hôm qua, có lúc “tọt” xuống dưới 50 USD/thùng. Sáng nay giá dầu Brent tiếp tục giảm thêm 0,55, còn 50,9 USD/thùng. Như vậy chỉ trong vòng gần 2 tuần, giá dầu đã lao từ 60 USD/thùng xuống sát 50 USD/thùng.
Giá GAS đầu phiên sụt giảm 1,47% nhưng càng về cuối phiên sáng càng tốt dần. Riêng việc cổ phiếu này quay lại tham chiếu cũng đã tác động rất tốt lên VN-Index. PVD cũng có lúc tăng trên tham chiếu, nhưng hiện đã giảm nhẹ 0,84%. PVS tăng 0,39%, PVC tăng 1,26%, PGS tăng 2,29%...
Việc các cổ phiếu dầu khí trụ vững giá trong bối cảnh giá dầu biến động thất thường là điều đáng ngạc nhiên. Điều này cũng thể hiện một tâm lý mạnh mẽ. Toàn thị trường sáng nay cũng thể hiện sức mạnh tương tự với đồng loạt các cổ phiếu tăng giá và điểm số tăng cao.
Giá tăng mạnh sang phiên thứ 3 ở nhiều cổ phiếu đã dẫn đến các đợt chốt lời mới. Không phải đến hôm nay thị trường mới xuất hiện áp lực giao dịch ngắn hạn. Lượng hàng mua trước kỳ nghỉ bắt đầu lần lượt về tài khoản và nhu cầu bán tăng dần. Trong khoảng 30 phút cuối phiên sáng, thị trường bắt đầu suy yếu.
VN-Index chốt phiên chỉ còn tăng 0,2%, VN30-Index tăng 0,15%, HNX-Index tăng 0,48%, HNX30-Index tăng 0,44%. Mặc dù điểm số vẫn thể hiện sự tăng trưởng, nhưng so với thời điểm đỉnh cao, rõ ràng sức ép bán ra đã tạo được hiệu ứng điều chỉnh nhất định.
Những mã có đà tăng ngắn hạn mạnh nhất đang chịu nhiều sức ép nhất. Trừ một số cổ phiếu đầu cơ nhỏ vốn có thể bị điều phối về thanh khoản, các blue-chips thể hiện sức ép này rõ hơn.
VCB là mã đáng chú ý nhất sáng nay khi hôm qua, giá đã đạt đỉnh cao mới ở 34.000 đồng. Những phút đầu phiên sáng giá còn được đẩy tiếp lên 34.600 đồng, trước khi khối lượng hàng ngắn hạn đổ ra bán. VCB sụt giảm rất nhanh và tạm dừng ở 33.400 đồng, giảm 1,76% so với tham chiếu, là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong rổ VN30. Chỉ tính riêng trong 2 tuần trở lại đây, VCB đã đem lại lợi nhuận ngắn hạn 13-17% tùy giá mua.
Rổ blue-chips của HSX cũng chứng kiến CII giảm 0,98%, KDC giảm 1,8%, ITA giảm 1,22%, OGC giảm 1,35%, PPC giảm 1,41%, REE giảm 0,35%... Rổ này có 13 mã tăng/11 mã giảm, độ rộng đã thu hẹp rất nhiều so với 28 mã tăng và 2 mã tham chiếu lúc đỉnh cao nhất.
Sự suy yếu của PVD hay vài mã lớn nói trên không đủ gây sức ép giảm điểm lên VN-Index. Thứ nhất là độ rộng của sàn này vẫn khá tốt: 100 mã tăng/81 mã giảm. Thứ hai là các cổ phiếu lớn khác nổi lên thay thế như VNM tăng 2,08%, BVH tăng 2,99%, DPM tăng 0,93%, FPT tăng 0,83%, HAG tăng 0,89%...
Sàn Hà Nội cũng xuất hiện áp lực chốt lời tương tự, đẩy điểm số lùi xuống khá nhiều so với thời điểm giữa phiên. Cũng giống như HSX, độ rộng vẫn tốt ở sàn HNX giúp cho giao dịch không trở nên xấu: 75 mã tăng/66 mã giảm. Riêng HNX30 vẫn có 13 mã tăng/9 mã giảm.
Các mã trụ ở HNX cũng phát huy tác dụng: SHB tăng 1,18%, PVS tăng 0,39%, PVC tăng 1,26%, PGS tăng 2,29%, ACB tăng 1,29%... Tuy nhiên một số mã chứng khoán như VND và vài mã bất động sản như VCG, SCR lại giao dịch kém, giá giảm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh sáng nay là minh chứng cho việc nhà đầu tư đã quay trở lại mua nhiều hơn. Tuy nhiên phía ngược lại cũng là dấu ấn của hoạt động chốt lời ngắn hạn. Độ rộng tốt, điểm số tăng cho thấy thị trường vẫn khá cân bằng. Tổng giá trị khớp hai sàn lên tới 1.468,1 tỷ đồng, tăng 45% so với sáng hôm qua.