Chứng khoán sáng 9/10: Tiếp tục trồi sụt, thanh khoản đã tăng
VN-Index ngay đầu phiên sáng nay bất ngờ nhảy vọt lên 810,75 điểm, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cho một phiên trồi sụt thất thường
VN-Index ngay đầu phiên sáng nay bất ngờ nhảy vọt lên 810,75 điểm, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cho một phiên trồi sụt thất thường.
Mức 810 điểm được coi là ngưỡng kháng cự của VN-Index vì đã ít nhất 3 lần chỉ số này “húc” vào và không vượt qua được. Sáng nay VN-Index thậm chí còn vươn lên cao nhất trong tất cả các phiên chạm tới ngưỡng kháng cự này.
Tuy nhiên, một lần nữa thị trường cho thấy sự thiếu ổn định trong đà tăng điểm. Lấy ví dụ SAB mở cửa bất thần tăng 1,04% chỉ với 10 cổ phiếu. Khi VN-Index đạt đỉnh cao nhất 810,75 điểm chủ yếu vì SAB không có giao dịch thêm nên vẫn giữ được mức tăng đó.
SAB rơi cắm đầu trong vài phút sau đó xuống 255.500 đồng thành giảm 1,77% thì VN-Index cũng cắm đầu theo. Nhịp giảm đầu tiên hầu như là do SAB thao túng chỉ số. Ngoài ra VIC cũng biến động rất lớn theo hướng tiêu cực cùng lúc với SAB. VIC rơi từ 52.400 đồng xuống 51.500 đồng, bay mất 1,72% chỉ trong chục phút.
Sau cú rơi bất thần ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, thị trường cố gắng phục hồi với các trụ cột là cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên chính các mã này sáng nay cũng thiếu ổn định, tạo nên những nhịp tăng giảm khá mạnh khiến các chỉ số chao đảo. Hai lần VN-Index tụt hẳn xuống dưới tham chiếu và nhịp phục hồi đều chưa cho thấy kết quả rõ ràng, đỉnh sau vẫn đang thấp hơn.
Các mã ngân hàng đang liên tục đón nhận các thông tin hỗ trợ liên quan đến các ước đoán kết quả kinh doanh. Hầu hết các mã nhóm này vẫn đang tăng, nhưng không phải là mức tăng tận sức.
VCB từ mức đỉnh tăng 1,54% tụt xuống còn 0,77% lúc chốt phiên sáng; MBB từ tăng 2,16% chỉ còn 1,08%; BID từ tăng 1,75% còn 0,75%; CTG từ 1,31% xuống 0,52%; STB từ tăng 2,44% tụt xuống 1,22%; VPB từ tăng 1,08% còn 0,54%.
Vì hiện tại VN-Index đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ các cổ phiếu ngân hàng nên khi nhóm này trồi sụt, chỉ số cũng trồi sụt theo. Không có cổ phiếu nào đủ lớn để thay thế các mã ngân hàng. Thậm chí nếu không tính SAB “điên” trong giao dịch cuối cùng làm tăng 0,69% bằng 10 cổ, thì tất cả các mã ngân hàng đều thuộc nhóm tạo điểm số nhiều nhất cho VN-Index.
Phía giảm, VIC là gánh nặng đáng kể khi rớt 1,52%. Hôm cuối tuần VIC giảm nhẹ 0,2% và vẫn chưa chắc chắn về khả năng tạo đỉnh. Sáng nay VIC thực sự rời đỉnh lịch sử bằng mức giảm mạnh nhất 18 phiên.
Các blue-chips khác giảm không quá mạnh, nhưng lại khá đông: PLX giảm 0,81%, MSN giảm 0,7%, BVH giảm 1,11%, VJC giảm 0,38%, VNM giảm 0,07%... Rổ Vn30 có 17 mã tăng/10 mã giảm nhưng chỉ số chỉ tăng rất nhẹ 0,09% vì VIC quá lớn trong chỉ số này. HPG mới là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất tới VN30-Index với mức tăng 0,9%, sau đó mới tới MBB, STB, MWG và SAB.
Độ rộng chung của sàn HSX chỉ ở mức trung tính với 129 mã tăng/116 mã giảm. VN-Index tăng 0,11%, chủ đạo do SAB và VCB.
Sàn HNX có độ rộng kém: 68 mã tăng/71 mã giảm nhưng HNX-Index tăng 0,47%. HNX30 cũng tăng 0,63% với 10 mã tăng/10 mã giảm. Nguyên nhân là do ACB tăng quá mạnh 1,92% và SHB tăng 2,5%.
Thị trường trồi sụt mạnhh trong sáng nay với các chỉ số lên xuống liên tục. Thanh khoản đã gia tăng khi cả người mua lẫn người bán dễ giao dịch hơn. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đạt 1.930 tỷ đồng, tăng 16% so với sáng phiên trước. ROS và SHB giao dịch lớn nhất và là hai mã duy nhất khớp trên 100 tỷ đồng, chiếm gần 12% tổng giá trị thị trường khớp lệnh.
Nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ lại có một phiên sáng giao dịch cực kỳ èo uột nếu không có NTP. Tổng giá trị mua ở HSX chỉ là 52,4 tỷ đồng, bán ra 85,7 tỷ đồng. Rổ Vn30 được mua 36,2 tỷ đồng, bán ra 57,8 tỷ đồng.
Sàn HNX nổ tung với quy mô bán ròng khổng lồ tới hơn 383 tỷ đồng tại NTP. Tổng giá trị bán của khối ngoại trên sàn này là 400,2 tỷ đồng, mua 4,5 tỷ đồng.