12:03 09/05/2016

Chứng khoán sáng 9/5: Ngân hàng trao gánh nặng cho VNM

Lan Ngọc

Thị trường đã khá may mắn trong sáng nay khi đúng lúc nhóm cổ phiếu ngân hàng chững lại thì VNM đột biến tăng

<div>Một mình VNM cũng khó lòng thay thế được số lớn các trụ khác đang trên đà điều chỉnh. VN-Index trượt khá dài trong sáng nay - Ảnh: TVSI.</div>
<div>Một mình VNM cũng khó lòng thay thế được số lớn các trụ khác đang trên đà điều chỉnh. VN-Index trượt khá dài trong sáng nay - Ảnh: TVSI.</div>
Thị trường đã khá may mắn trong sáng nay khi đúng lúc nhóm cổ phiếu ngân hàng chững lại thì VNM đột biến tăng.

Thậm chí những phút sớm đầu phiên, thời điểm cổ phiếu ngân hàng và VNM cộng hưởng mạnh, VN-Index nhảy vọt lên tận 612,97 điểm, trên tham chiếu 1,06% và tương đương đỉnh đầu tháng 11 năm ngoái.

Đà tăng mạnh của chỉ số này đầu phiên thực chất vẫn dựa rất nhiều vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó trọng tâm là ngân hàng, VNM và đôi lúc có được sự hỗ trợ của MSN, GAS. Đa số cổ phiếu còn lại vẫn chỉ đứng im hoặc giảm. Tuy nhiên, thời gian các trụ này hợp sức không kéo dài và hệ quả sau đó là một nhịp trượt khá mạnh.

VN-Index chốt phiên sáng nay chỉ còn ở mức 608,43 điểm, chỉ còn tăng 0,31% so với tham chiếu. Như vậy chỉ số đã đánh mất khoảng 0,75% điểm tăng chỉ trong phiên sáng.

Cổ phiếu tạo ấn tượng mạnh nhất trên thị trường sáng nay là VNM. Thông tin hỗ trợ xuất hiện với kế hoạch cổ tức tiền mặt lớn và câu chuyện mở room được hâm nóng trở lại đã đẩy giá tăng đột biến.

VNM có mức mở cửa mạnh mẽ, tăng ngay 2,82% so với tham chiếu. Ít phút sau VNM còn lên tiếp, tăng tối đa 3,52% trước khi bắt đầu bị xả nhiều. Giá chốt phiên sáng chỉ còn tăng 2,11%, tức là thấp hơn cả mức mở cửa.

Thanh khoản cũng cao đột biến với gần 1,58 triệu cổ phiếu. Với mức giá rất cao, VNM đã thu hút xấp xỉ 230,5 tỷ đồng vào giao dịch. Một mình VNM chiếm 20,9% giá trị khớp sàn HSX, 36,4% giá trị rổ VN30 và 16,9% giá trị khớp toàn thị trường. Không hề nói quá khi chính VNM đã góp phần cải thiện thanh khoản cho cả hai sàn trong sáng nay.

Thông tin hỗ trợ đã đẩy giá VNM lên mức đỉnh cao mới 147.000 đồng, nhưng mức chốt phiên sáng ở 145.000 đồng cũng chỉ tương đương với đỉnh hồi đầu tháng 4 vừa rồi. Việc VNM mở room vẫn có sức nóng nhất định, còn câu chuyện cổ tức thực ra chỉ khiến cổ đông trung thành hưởng lợi, còn tỷ suất cổ tức trên thị giá của VNM lúc này vẫn rất kém.

VNM tăng mạnh là một sự bù đắp cực kỳ kịp thời và hiệu quả cho VN-Index sáng nay. Các mã ngân hàng đã gây thất vọng lớn khi lần lượt suy yếu. VCB ban đầu tăng tiếp 1,44% nhưng hiện đã giảm 0,41%. BID lúc mạnh nhất cũng tăng 1,66%, giờ đang giảm 0,55%.

CTG là cổ phiếu duy nhất trong 3 mã trụ ngân hàng còn đang tăng nhẹ 0,58%. Tuy thế so với mức tăng 2,89% đầu phiên, đây vẫn là sự thụt lùi đáng thất vọng.

Mức tăng cao nhất của các mã ngân hàng đầu phiên cộng với VNM đột biến sớm là nguyên nhân giúp VN-Index đạt được đỉnh tháng 11/2015. Ngoài ra có thể kể đến sự hỗ trợ của VIC, ban đầu tăng 0,95%, giờ đã đánh mất hết. MSN cũng vậy, không còn dấu vết gì của mức tăng 2,07% đầu phiên. GAS đang tăng 0,99% cũng là kết quả kém của mức tăng 1,98% trước đó.

Mặc dù VN-Index và VN30-Index vẫn đang tăng khá tốt (VN30 tăng 0,27%) nhưng độ rộng của sàn này lại rất tệ. HSX ghi nhận 117 cổ phiếu giảm giá và chỉ 76 mã tăng. Rổ VN30 khá hơn, có 10 mã tăng/10 mã giảm. Sức mạnh của các chỉ số vẫn đang hoàn toàn dựa vào các mã trụ.

Sàn HNX sáng nay cũng có 2 trụ lớn làm đảo ngược tình thế, là ACB tăng 1,12% và SHB tăng 1,56%. Sàn này có 91 mã giảm/77 mã tăng và HNX30 khá mạnh với 13 mã tăng/3 mã giảm, chỉ số tăng 0,71%. HNX-Index phải gánh nhiều mã khác giảm, chỉ tăng được 0,42%.

Thanh khoản toàn thị trường sáng nay vẫn tăng hơn 1% về giá trị khớp lệnh so với sáng phiên trước. Như đã nói ở trên, VNM là yếu tố chính giúp cải thiện tình hình. Bản thân HPG, cổ phiếu thanh khoản lớn thứ hai thị trường với 75,2 tỷ đồng cũng là sụt giảm so với phiên trước. Nhóm cổ phiếu ngân hàng thì giao dịch quá tệ. 3 cổ phiếu hàng đầu là VCB, CTG và BID giao dịch chưa bằng một nửa sáng phiên trước.

Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân trên HSX đã giảm nhẹ, mới đạt 95,8 tỷ đồng. Đích đến của dòng tiền cũng có thay đổi: Chỉ duy nhất MBB là còn được mua mạnh với gần 11,6 tỷ, còn lại các mã ngân hàng khác đều không có gì ấn tượng. CII đang dẫn đầu với 16,3 tỷ đồng.