16:48 26/08/2015

Chứng khoán Trung Quốc giảm phiên thứ 5 liên tiếp

An Huy

“Tâm lý thống trị trên thị trường lúc này là các nhà đầu tư muốn tháo chạy, cho dù Chính phủ Trung Quốc có làm gì”

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất khoảng 5 nghìn tỷ USD, tương 
đương khoảng một nửa giá trị vốn hóa, kể từ khi đạt đỉnh hồi giữa tháng 6 - Ảnh: Reuters.<br>
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất khoảng 5 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng một nửa giá trị vốn hóa, kể từ khi đạt đỉnh hồi giữa tháng 6 - Ảnh: Reuters.<br>
Sau những pha giằng co mạnh giữa tăng và giảm, thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm nay (26/8) có phiên giảm điểm thứ năm liên tiếp, đánh dấu chuỗi phiên giảm giá mạnh nhất kể từ năm 1996.

Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ ngày hôm qua chỉ đủ sức thu hẹp mức giảm của giá cổ phiếu Trung Quốc phiên này.

Lúc đóng cửa, chỉ số Shanghai Composite Index giảm 1,3%, còn 2.927,29 điểm. Trong phiên, có thời điểm chỉ số này tăng 4,3%, có lúc giảm 3,9%.

Hôm qua, chỉ số này mất 7,6%, sau khi giảm 8,5% trong phiên giao dịch đầu tuần. Cuối giờ chiều qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố hạ lãi suất cơ bản và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất khoảng 5 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng một nửa giá trị vốn hóa, kể từ khi đạt đỉnh hồi giữa tháng 6 do nỗi lo kinh tế nước này sẽ giảm tốc mạnh. Theo một số nguồn tin, tuần này, Chính phủ Trung Quốc đã dừng hẳn các biện pháp hỗ trợ thị trường áp dụng trong đợt sụt giảm hồi tháng 7.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, một số quan chức Trung Quốc nói thị trường chứng khoán sụt giảm chỉ có ảnh hưởng hạn chế đến kinh tế, trong khi phí tổn để hỗ trợ thị trường là quá lớn. Trong khi đó, những người ủng hộ việc hỗ trợ thị trường lại cho rằng giá cổ phiếu sụt giảm đặt ra nguy cơ đối với hệ thống ngân hàng.

“Tâm lý thống trị trên thị trường lúc này là các nhà đầu tư muốn tháo chạy, cho dù Chính phủ Trung Quốc có làm gì”, ông Ronald Wan, Giám đốc điều hành công ty Partners Capital International ở Hồng Kông, nhận xét. “Niềm tin đã bị phá vỡ. Những hoài nghi về hiệu quả của chính sách đang ngày càng lớn. Thị trường sẽ còn tiếp tục chịu áp lực bán tháo”.

Một số chuyên gia có cái nhìn không mấy tích cực về động thái nới lỏng chính sách tiền tệ ngày 25/8 của PBoC.

“Việc PBoC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc không thể bù đắp cho sự mất mát thanh khoản xuất phát từ việc phá giá đồng Nhân dân tệ. Nếu may mắn, thì kinh tế Trung Quốc sẽ bắt đầu hồi phục từ quý 4 năm nay”, ông Chia Woon Khien, nhà quản lý danh mục tại công ty Nikko Asset Management Asia ở Singapore, nhận định.

Ông Tom DeMark, một chuyên gia dự báo trước được đợt bán tháo này của chứng khoán Trung Quốc, nói rằng trên phương diện kỹ thuật, chỉ số Shanghai Composite Index có thể giảm thêm 13% nữa.

Mức nợ ký quỹ chứng khoán ở thị trường Trung Quốc đại lục hiện đã giảm 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 156 tỷ USD, từ mức đỉnh hồi tháng 6, do các nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường. Mức dư nợ ký quỹ trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến là 1,25 nghìn tỷ Nhân dân tệ tính đến hôm thứ Hai tuần này, từ mức kỷ lục 2,27 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào hôm 18/6.

Trái với sự giảm điểm của chứng khoán Trung Quốc, một số thị trường chủ chốt của khu vực hôm nay đã tăng điểm trở lại. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật tăng 3,2%, trong khi thị trường Australia tăng 0,7%.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm thị trường Nhật nhích lên 0,2% trong phiên hôm nay, nhưng vẫn đang ở gần mức thấp nhất trong 3 năm thiết lập trong phiên trước.