15:32 25/08/2015

Chứng khoán Trung Quốc sụt 22% chỉ trong 4 ngày

An Huy

“Đợt biến động gần đây khiến ngay cả những nhà giao dịch cổ phiếu già dặn nhất cũng hoảng hốt”

Phiên giảm ngày hôm nay là phiên thứ 6 thị trường chứng khoán Trung Quốc mất hơn 6% trong vòng 3 tháng trở lại đây.
Phiên giảm ngày hôm nay là phiên thứ 6 thị trường chứng khoán Trung Quốc mất hơn 6% trong vòng 3 tháng trở lại đây.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc thêm gần 8% trong phiên giao dịch hôm nay (25/8), nâng tổng mức giảm trong 4 phiên liên tiếp lên 22%.

Một loạt thị trường chứng khoán chủ chốt khác trong khu vực có thêm một phiên giao dịch “đỏ lửa” khi giới đầu tư chưa thoát khỏi tâm lý hoảng loạn.

Vào lúc đóng cửa, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải mất 7,6%, còn 2.964,97 điểm, đánh dấu lần đầu tiên trong 8 tháng chỉ số này sụt dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 3.000 điểm.

“Ngày thứ Hai đen tối”

Hôm qua, chứng khoán Trung Quốc lao dốc 8,5%, mạnh nhất trong 8 năm, và giới truyền thông nước này gọi đây là “ngày thứ Hai đen tối”.

Phiên hôm nay, hơn 700 cổ phiếu giảm kịch sàn biên độ 10% trên sàn Thượng Hải, trong đó có cổ phiếu của Petro China, công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất ở Trung Quốc.

Giá cổ phiếu ở Trung Quốc bắt đầu rơi trở lại vào hôm 14/8 sau khi Ủy ban Chứng khoán nước này (CSRC) phát tín hiệu sẽ rút dần các biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ thị trường trong đợt sụt giảm “kinh hoàng” hồi tháng 7. Kể từ thời điểm đó, giới đầu tư bắt đầu có nhiều đồn đoán khác nhau xung quanh dự định của Bắc Kinh.

Tuy vậy, CSRC chưa hề có bất kỳ nỗ lực nào nhằm trấn an thị trường sau cú sụt chóng mặt của thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần. Điều này hoàn toàn khác biệt so với những gì diễn ra cách đây 1 tháng. Khi đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã nhanh chóng ra hai tuyên bố sau khi thị trường có phiên giảm 8,5%.

“Giới đầu tư đang bán tháo cổ phiếu vì hoảng loạn, và đây là vấn đề niềm tin”, nhà phân tích Wei Wei thuộc công ty chứng khoán Huaxi Securities ở Thượng Hải nhận xét. “Chính phủ sẽ không ra tay cứu thị trường thêm lần nữa bởi đây là một đợt bán tháo trên phạm vi toàn cầu và đang lan rộng khắp mọi nơi. Có cứu thì cũng không có tác dụng”.

Phiên giảm ngày hôm nay là phiên thứ 6 thị trường chứng khoán Trung Quốc mất hơn 6% trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Chưa thoát khỏi xu hướng giảm điểm trên diện rộng, một loạt thị trường chứng khoán chủ chốt khác của khu vực cũng tiếp tục giảm điểm trong phiên hôm nay, tuy tốc độ giảm đã được “hãm” bớt so với hôm qua.

Tại thị trường Nhật, chỉ số Nikkei 225 kết thúc phiên giao dịch với mức giảm 4%, chỉ số Topix mất 3,3%. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông giảm 0,3% và đã rơi vào trạng thái thị trường giá xuống (bear market) từ hôm thứ Sáu tuần trước.

Nhật mong Trung Quốc bình ổn

Một số thị trường khác đã “xanh” trở lại trong phiên này, nhưng chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản vẫn giảm 0,9% vào thời điểm hơn 15h chiều nay theo giờ Việt Nam. Trước đó, chỉ số này có thời điểm rớt xuống mức thấp nhất trong 3 năm.

Chỉ số S&P/ASX của Australia tăng 2,7% khi chốt phiên. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc tăng 0,9%, trong khi chỉ số Taiex của chứng khoán Đài Loan tăng 3,6%.

Giá dầu thô cũng hồi phục nhẹ sau khi chạm đáy 6 năm rưỡi. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại Mỹ có thời điểm tăng 0,89 USD/thùng, lên mức 39,13 USD/thùng. Giá dầu Brent tại London có thời điểm tăng 1,3% so với chốt phiên hôm qua, lên 43,24 USD/thùng.

“Đợt biến động gần đây khiến ngay cả những nhà giao dịch cổ phiếu già dặn nhất cũng hoảng hốt. Và có thể có thêm những biến động khó lường nữa”, ông Frederic Neumann, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của ngân hàng HSBC, nhận định.

“Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn có khả năng tăng lãi suất trước cuối năm nay. Điều này tạo ra sự rạn nứt trong hai trụ cột chính của nền kinh tế toàn cầu những năm gần đây: nhu cầu của Trung Quốc và dòng vốn giá rẻ”, ông Neumann viết. Tuy vậy, chuyên gia này nói rằng khó có khả năng lặp lại một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á như hồi cuối thập niên 1990.

Trong một động thái cho thấy sự quan ngại về Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso hôm nay lên tiếng bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ hành động để bình ổn nền kinh tế. Ông Aso cũng nói Tokyo hiện không có kế hoạch tung ra một gói kích thích kinh tế mới nào.

Chỉ số MSCI World Index đo thị trường chứng khoán toàn cầu đang ở gần vùng thấp nhất trong 10 tháng rưỡi. Hôm qua, chỉ số này mất 3,8%, mức giảm mạnh nhất trong gần 4 năm.