15:50 15/03/2017

Cơ hội đầu tư cổ phiếu nhìn từ “điểm khuyết” thép Việt

Bạch Dương

Ngành thép vừa trải qua một “năm vàng", giá thép thế giới phục hồi mạnh cùng với việc được áp dụng thuế tự vệ

Hoàn thiện chuỗi giá trị ngành thép là hướng đi đúng đắn cho nhiều doanh nghiệp thép.
Hoàn thiện chuỗi giá trị ngành thép là hướng đi đúng đắn cho nhiều doanh nghiệp thép.
Năm 2017, câu chuyện ngành thép sẽ được viết tiếp thế nào đã được bàn nhiều tại Hội thảo ngành thép và Thị trường chứng khoán năm 2017 do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX),Hiệp hội Thép Việt Nam và VietinbankSC tổ chức đầu tuần này.

Áp lực FTA lên ngành thép

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết, năm 2016, ngành thép Việt sản xuất được 8,6 triệu tấn thép dài, 3,6 triệu tấn CRC, 2,06 triệu tấn ống thép và 3,4 triệu tấn tôn mạ.

"Ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn chưa vận hành tối đa công suất. Trong khi đó, sản lượng thép nhập khẩu vẫn tăng rất mạnh, đặc biệt là các sản phẩm thép cuối cùng như thép dẹt, tôn mạ và thép hợp kim. Năm 2016, nhập khẩu sản phẩm thép ở mức 17,5 triệu tấn, tăng trưởng 25%”, ông Sưa nói.

Theo ông Sưa, hiện nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều thép, chủ yếu là những sản phẩm trong nước chưa cung ứng được như thép cán nóng (HRC), thép chế tạo,…

Với nhu cầu phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trong nước vẫn còn rất lớn, Hiệp hội thép Việt Nam dự báo sản lượng thép Việt Nam tới năm 2020 là 10 triệu tấn gang, 18 triệu tấn phôi thép và 22 triệu tấn thành phẩm và tầm nhìn tới năm 2025 là 18 triệu tấn gang, 25 triệu tấn phôi thép và 30 triệu tấn thành phẩm. Do đó, dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành thép vẫn còn rất lớn.

Song khó khăn lớn nhất đối với ngành thép là yếu tố cạnh tranh. Ông Sưa cho rằng, các cam kết về thuế quan của các FTA đã ký kết, thuế suất nhập khẩu trung bình của thép và các sản phẩm thép vào Việt Nam sẽ chỉ dao động ở mức 0,69% - 7,55% trong giai đoạn 2015-2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tiếp theo.

"Áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ ngày càng lớn, để tiếp tục tồn tại và phát triển cần phải không ngừng nâng cao tính cạnh tranh”, ông Sưa nhấn mạnh.

Ngành thép năm 2017, ông Sưa dự đoán sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt tại nhiều lĩnh vực sản xuất gang (4,5 triệu tấn, +80%), phôi (11,5 triệu tấn, + 47,2%), thép thành phẩm (19,97 triệu tấn, +12%). Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại cán cân thương mại ngành thép cũng sẽ giảm do Formosa đi vào hoạt động sẽ cung cấp ra thị trường thép cây và HRC.

Điểm khuyết của ngành thép Việt Nam

Trong khi đó, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty VietinBankSc, cho rằng, doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể hoàn thiện chuỗi giá trị ngành thép Việt, từ khâu khai thác, chế biến thượng nguồn, tới luyện gang, luyện thép, cán thép và gia công sau cán.

Hiện khâu sản xuất phôi, thép cán nóng chính là điểm khuyết trong chuỗi giá trị mà Việt Nam chưa sản xuất được. Năng lực sản xuất thép cơ khí chế tạo gần như chưa có. Chính vì vậy, năm 2016, Việt Nam nhập tới 17,5 triệu tấn thép, trong đó nhiều nhất là thép hợp kim và thép tấm lá đen.

Với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới, ông Đăng cho rằng, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp.

Trong xu hướng phát triển ngày càng cao, ông Đăng cho rằng doanh nghiệp nếu nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, bài bản vào các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được như phôi dẹt, thép cuộn cán nóng, hay các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thép cơ khí chế tạo sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tính đến việc đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép, tôn mạ.

Ông Đăng cho biết, theo thống kê của Hiệp hội thép Thế giới, ngoài bán thành phẩm, các sản phẩm gia công sau cán như tôn mạ, ống thép là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu thép toàn cầu. Và hiện nay, tôn mạ kim loại cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 33% (tương ứng với hơn 1.3 triệu tấn) trong cơ cấu xuất khẩu thép năm 2016 (VSA).

Cổ phiếu thép 2017 ra sao?


Thị trường chứng khoán cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép. Biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong ngành thép tang mạnh.

 Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế một số doanh nghiệp nổi bật có thể kể đến như NKG (312%), DNY (138%), HSG (131%), HPG (89%), VGS (78%),… Doanh nghiệp toàn ngành thép đều có sự phục hồi rõ rệt khi lợi nhuận đều tăng trưởng 70%-130% so với năm 2015.

Về cơ hội đầu tư cổ phiếu thép năm 2017, ông Đặng Trần Hải Đăng cho rằng trong 6 tháng trở lại đây, đa số các cổ phiếu ngành thép đều có diễn biến tốt hơn VN-Index.

Các chỉ số P/E trung bình ngành chỉ ở mức 6,1 lần, thấp hơn nhiều so với P/E chung của thị trường (12-13 lần). Vì vậy, cơ hội đầu tư vẫn có thể tìm được ở những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định, phát triển vững.

Tổng giám đốc VietinbankSc Khổng Phan Đức nhận định, ngành thép Việt Nam tuy có quy mô nhỏ nhưng vẫn có những lợi thế cạnh tranh riêng biệt. Chi phí sản xuất thép tại Việt Nam tương đối cạnh tranh khi so với các nước trong khu vực và chỉ thua Trung Quốc.

Tại Việt Nam, dư địa phát triển ngành thép còn rất lớn do nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng ở các thành phố và khu vực ngoại ô. Lượng thép tiêu thụ/đầu người năm 2016 mới chỉ đạt 240 kg, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (262,7 kg), Malaysia (336,1 kg), hay Nhật Bản (531,7 kg). Vấn đề của các doanh nghiệp trong ngành là nên mở rộng, khai thác điểm khuyết trong chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng.