09:01 25/06/2016

Cơn “hồng thủy” Brexit càn quét chứng khoán Mỹ, Âu

Khánh Ly

Chỉ một phiên, thị trường chứng khoán Mỹ đã đánh mất toàn bộ thành quả tăng điểm từ đầu 2016 đến nay

Chỉ số Stoxx 600 của thị trường chứng khoán châu Âu mất 7% và như vậy có phiên giảm sâu nhất tính từ năm 2008 - Ảnh: Investors.
Chỉ số Stoxx 600 của thị trường chứng khoán châu Âu mất 7% và như vậy có phiên giảm sâu nhất tính từ năm 2008 - Ảnh: Investors.
Việc cử tri Anh chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) đã gây chấn động các thị trường tài chính toàn cầu, đồng Bảng Anh giảm hơn 11%, các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc, lợi suất trái phiếu chính phủ nhiều nước tăng vọt, theo cập nhật của Wall Street Journal.

Sau khi Brexit - thuật ngữ ghép từ hai từ Britain (nước Anh) và exit (rời khỏi), chỉ việc Anh rời EU - trở thành sự thực, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố từ chức trong vòng 3 tháng tới. 

Thị trường chứng khoán châu Á, châu Âu và Mỹ đồng loạt giảm rất mạnh, khi các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi các thị trường tài sản rủi ro và chuyển tiền sang các thị trường của các loại tài sản được coi là an toàn như vàng, hay trái phiếu chính phủ.

Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 610,32 điểm, tương đương 3,39%, xuống 17.400,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 75,91 điểm, tương đương 3,59%, xuống 2.037,41 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 202,06 điểm, tương đương 4,12%, xuống 4.707,98 điểm.

“Tôi không dám nói thị trường chứng khoán toàn cầu đang chịu một cơn địa chấn, thế nhưng chỉ một phiên hôm qua, toàn bộ thành quả tăng điểm từ đầu năm 2016 đến nay đã bị xóa sạch”, chuyên gia quản lý quỹ tại TIAA-CREF International Equity Fundm, ông Chris Semenuk, nhận xét.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm sâu trong phiên thứ Sáu. Chỉ số Stoxx 600 của thị trường chứng khoán châu Âu mất 7% và như vậy có phiên giảm sâu nhất tính từ năm 2008. Chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán Anh giảm 3,15%. 

Brexit tác động trái chiều lên cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Anh phiên ngày hôm qua. Trong khi phần đông các cổ phiếu đi xuống thì cổ phiếu các công ty thuộc nhóm ngành xuất khẩu tăng rất mạnh, vì đồng Bảng Anh giảm giá sâu. 

Chỉ số FTSE 250, chỉ số được coi như “ hàn thử biểu” của nền kinh tế Anh, mất 7,2% trong phiên và như vậy có phiên giảm điểm sâu nhất từ năm 1988.

Cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu niêm yết trên thị trường Anh giảm mạnh, cổ phiếu ngân hàng Barclays giảm 18%, cổ phiếu Banco Santander SA giảm 20%.

Ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử là -0,169%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,008%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm xuống mức khoảng 1,419%, mức thấp nhất tính từ tháng 8/2012.

Các thị trường chứng khoán khác tại châu Âu cũng giảm rất mạnh: Thị trường Hy Lạp giảm 13,4%; thị trường Tây Ban Nha giảm 12,35% còn thị trường Italy giảm 12,5%.

“Tôi có cảm giác như khoảnh khắc ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ trước đây đang ở lại. Nếu xu thể bỏ phiếu rời EU tiếp diễn tại nhiều nước châu Âu khác, hiệu ứng domino tồi tệ sẽ tác động xấu đến tất cả chúng ta”, giám đốc điều hành tại quỹ Hermès Investment Management hiện đang quản lý tổng tài sản khoảng 33 tỷ USD, ông Saker Nusseibeh, nhận định.