21:55 07/08/2017

Khối ngoại mua ròng 1,2 tỷ USD, chứng khoán Việt đứng trước đỉnh mới

Bạch Dương

Khác với cơn sốt chứng khoán năm 2008, thị trường chứng khoán Việt sau một thập kỷ có mức tăng bền vững, dài hơi hơn

Chứng khoán Việt đang tăng mạnh, dòng tiền lớn vẫn đổ vào thị trường.
Chứng khoán Việt đang tăng mạnh, dòng tiền lớn vẫn đổ vào thị trường.
Tín dụng mở room 20%, khối ngoại mua ròng lớn, nhiều doanh nghiệp lớn sắp chào sàn, kinh tế vĩ mô ổn định… nhà đầu tư chứng khoán đang kỳ vọng VN-Index có thể lập đỉnh mới.

Khối ngoại mua ròng cổ phiếu, trái phiếu

Tính đến hết phiên 7/8, trên HOSE, khối ngoại đã mua vào 70.479 tỷ đồng, bán ra lượng cổ phiếu tương ứng 58.750 tỷ đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay khối ngoại đã mua ròng 11.729 tỷ đồng. Trên sàn HNX, từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng 46 tỷ đồng.

Như vậy, tính chung trên hai sàn cổ phiếu, khối ngoại đang ở trạng thái mua ròng gần 11.700 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

Đặc biệt, trên thị trường trái phiếu, khối ngoại đang mua vào lớn. Thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, lũy kế từ đầu năm đến nay khối ngoại đã mua ròng 700 triệu USD trái phiếu, 530 triệu USD cổ phiếu. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt khoảng 1,23 tỷ USD.

Một tín hiệu vụ khác về thu hút đầu tư FDI, Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 7, Việt Nam đã thu hút được khoảng 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,12 tỷ USD, tăng 109,7% so với cùng kỳ. 

Đây là kênh thu hút vốn ngoại, đồng thời cũng là chỉ số thể hiện niềm tin, lạc quan vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, đà phục hồi kinh tế rõ nét… là những yếu tố kích thích dòng vốn ngoại gia tăng các hoạt động giải ngân tại thị trường chứng khoán Việt Nam”, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia nhận định.

Cơ hội lập đỉnh mới

Thực tế, chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay, đạt mức kỷ lục trong gần một thập kỷ và đang chinh phục mốc 800 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/8, chỉ số VN-Index đạt gần 793 điểm, tăng 128 điểm tương ứng 19,4% so với hồi đầu năm.

Tương tự HNX-Index cũng lần đã vượt qua mốc 100, cao nhất kể từ năm 2008. Đóng cửa phiên 7/8, HNX-Index đạt 102,4 điểm, tăng 27,7% so với đầu năm.

Nửa đầu năm 2017 chứng kiến nhiều doanh nghiệp, ngân hàng lớn được niêm yết trên sàn chứng khoán và được coi là “món mới” hút vốn đầu tư nội, ngoại vào chứng khoán. Tuy nhiên, “bữa tiệc nhiều món” chứng khoán Việt vẫn đang được đánh giá rất hấp dẫn với những tân binh được chờ đón.

Trong 5 tháng cuối năm 2017 sẽ có ít nhất 10 tổng công ty nhà nước đã cổ phần hoá và khoảng 15 công ty có vốn nhà nước chi phối sẽ lên sàn chứng khoán với tổng số lượng ước tính lên tới hàng chục tỷ cổ phiếu, trong đó, lớn nhất là Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiêp Việt Nam, vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng. Tiếp đến là Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp với vốn điều lệ 1.420 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng...

Đặc biệt “bom tấn” Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ IPO vào tháng 11/2017 và tiến tới niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán. Hai doanh nghiệp được định giá lần lượt là 2,7 tỷ USD và 3,2 tỷ USD.

Nhiều công ty chứng khoán, chuyên gia, tổ chức đang tỏ ra khá lạc quan về nền kinh tế và chứng khoán Việt sẽ lập đỉnh mới.

Báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM (HSC) cho hay, xu thị trường đang chịu áp lực chốt lời mạnh trong ngắn hạn, tuy nhiên về trung và dài hạn, thị trường vẫn có xu hướng tăng trưởng tích cực và có thể đạt 920-960 điểm vào cuối năm nay. Với chính sách nới lỏng tiền tệ, dòng tiền sẽ qua kênh chứng khoán chảy vào các doanh nghiệp sản xuất.

Nhóm chuyên gia phân tích của HSC cho rằng dòng tiền sẽ đổ mạnh vào cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và chứng khoán. Đây sẽ là 3 ngành dẫn sóng tăng cho VN-Index dịp cuối năm nay.

600.000 tỷ sẽ được bơm ra thị trường nửa cuối năm


Trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp, Chính phủ vừa có chỉ đạo nâng tăng trưởng tín dụng cả năm lên ít nhất 20%. Báo cáo Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, nếu đạt mức tăng trên thì đây là măm tăng trưởng tín dụng kỷ lục kể từ năm 2010.

"Với 5,5 triệu tỷ dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2016 và tín dụng toàn hệ thống tính tới hết tháng 6 đã tăng 9,06%, ước tính có tới 600.000 tỷ đồng tín dụng được cung ra nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm”, báo cáo của SSI cho hay.

Về việc mở room tín dụng lên 20%, HSC dự báo các ngân hàng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này. Theo thống kê, lợi nhuận của 7 ngân hàng niêm yết trong quý nửa đầu năm 2017 đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ.

Khối ngân hàng này có thể tăng trưởng thêm 12% do mở room tín dụng, tức lên 40.450 tỷ đồng, tăng 32,16%. Song để đạt được điều này, HSC cho rằng còn phụ tuộc vào mức lãi suất đầu ra, bởi không ngoại trừ việc các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đó là chưa kể tín dụng rủi ro sẽ chảy vào các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, BOT...

Khả năng hấp thụ của nền kinh tế cũng được đặt ra khi tăng trưởng tín dụng 20% tức là lượng vốn tín dụng tăng lên sẽ đạt 1,1 triệu tỷ đồng năm 2017.

Về lãi suất đồng USD, SSI cho rằng, nhu cầu mua tài sản ở nước ngoài của người Việt Nam, bao gồm bất động sản hay hàng tiêu dùng luôn luôn tồn tại và không phụ thuộc vào lãi suất USD tại Mỹ hay tại Việt Nam. Việc nâng lãi suất USD tại Việt Nam dù ít hay nhiều đều tạo ra tâm lý găm giữ chờ đợi mà vì vậy không có lợi cho chính sách chống đô la hóa.

Trong 2 năm qua, nhờ lãi suất USD 0% mà đã dần hình thành thói quen bán USD thay vì tích trữ. Đây là một thói quen có lợi cho sự ổn định tiền tệ và có lợi cho thị trường chứng khoán, báo cáo của SSI nhìn nhận.