15:42 12/06/2017

Loạt cổ đông Ocean Group bức xúc với “ẩn số” Hà Trọng Nam

Bạch Dương

Anh trai ông Hà Văn Thắm không tham dự đại hội cổ đông của Ocean Group sáng 12/6

Đại hội cổ đông Ocean Group sáng 12/6 - Ảnh: Bạch Dương.<br>
Đại hội cổ đông Ocean Group sáng 12/6 - Ảnh: Bạch Dương.<br>
Sau hai lần tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2017 thất bại do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự, ngày 12//6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã chứng khoán OGC) đã họp cổ đông trong bầu không khí khá căng thẳng.

“Ẩn số” Hà Trọng Nam

Tại đại hội, cổ đông lớn nhất của công ty là ông Hà Trọng Nam - anh trai ông Hà Văn Thắm - không tham dự mà ủy quyền cho đại diện là bà Hoàng Thị Phương Lan, thành viên độc lập của Hội đồng Quản trị Ocean Group.

Ông Nam cũng gửi thư tới cổ đông bày tỏ, ông không còn phù hợp với vị trí Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị và muốn từ nhiệm, nhưng với điều kiện đại hội phải bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị mới.

“Nếu như đại hội hôm nay bầu được thành viên Hội đồng Quản trị bổ sung thì tôi xem văn bản gửi tới cổ đông này sẽ có giá trị như một đơn từ nhiệm”, ông Hà Trọng Nam nói rõ trong thư.

Sự việc khiến nhiều cổ đông bức xúc, bởi nội dung trên không hề có trước trong chương trình của đại hội và vi phạm điều lệ của doanh nghiệp. Nhiều cổ đông thẳng thắn cho rằng việc này được đưa ra nhằm “phá đại hội”, nên yêu cầu đại diện của ông Hà Trọng Nam rời khỏi đại hội.

Hiện ông Nam đang đại diện cho công ty Hà Bảo sở hữu 84 triệu cổ phần OGC, chiếm 28% vốn điều lệ doanh nghiệp này.

Đặc biệt, nhiều cổ đông công ty còn chỉ trích việc trích lập dự phòng 2.000 tỷ đồng, bao gồm khoản phải thu 628 tỷ đồng đối với ông Hà Trọng Nam, góp phần khiến tập đoàn thua lỗ lớn, giá cổ phiếu rơi mạnh. Cụ thể năm 2016, Ocean Group lỗ 794 tỷ đồng.

“Tại sao một cổ đông lớn đồng thời giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, đại diện vốn của Ocean Group tại OCH lại có thể chây ỳ, trong khi thừa khả năng trả nợ. Hoặc không thì có thể bán giải chấp, tịch thu số cổ phần sở hữu để cấn nợ, tại sao phải để trở thành nợ xấu? Ban lãnh đạo công ty đã đi đòi nợ lần nào chưa?”, một cổ đông nói.

Chia sẻ với những bức xúc của cổ đông về chuyện công nợ cũng như vụ việc ông Hà Trọng Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Quang Thụ nói: “Tôi đảm bảo khi vượt qua được khó khăn, công ty hoạt động bình thường thì giá cổ phiếu sẽ lên. Đáng lẽ niềm vui đó đã xuất hiện từ tháng 3/2017, nhưng giờ đây chúng ta phải chờ đợi thêm”. Ông cũng cho biết khoản công nợ 2.000 tỷ khiến công ty phải trích lập dự phòng bao gồm nhiều khoản đầu tư từ trước, không thể nói thu hồi là được ngay.

“Chúng tôi thèm được như các công ty khác, thèm vô cùng. Ở đây phải hiểu rằng Ocean Group là một công ty không bình thường, kể từ khi cổ đông lớn nhất là ông Hà Văn Thắm rơi vào vòng lao lý. Không phải ai cũng dám ngồi vào vị trí này, nơi có khoản nợ khổng lồ. Một năm Hội đồng Quản trị họp tới 46 lần, việc đòi nợ phải có quy trình đánh giá, đòi vào thời điểm nào để hiệu quả nhất. Có những khoản công nợ mà khi tìm đến địa chỉ thì không biết ở đâu, có những người tìm mãi không thấy. Chúng tôi xác định là sẽ đòi được bằng những biện pháp cần thiết, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông”, ông Thụ kể.

Vị này nhấn mạnh, Ocean Group cũng giống như một “con bệnh” mà giai đoạn nguy hiểm có thể “chết ngay lập tức” đã qua, giờ là lúc chung tay bồi bổ sức khoẻ để trở lại.

Lỗ triền miên nhưng thù lao tiền tỷ

Tại đại hội, nhiều cổ đông chỉ trích lãnh đạo "vô tâm" nhận thù lao tiền tỷ trong khi điệp khúc lỗ của tập đoàn chưa chấm dứt.

Các cổ đông này cho rằng, thù lao của lãnh đạo cần phải gắn liền với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, lãi lớn hưởng thù lao lớn, lỗ thì mức tiền phải giảm xuống. Đặc biệt, trong bối cảnh ban lãnh đạo công ty không sở hữu cổ phần của doanh nghiệp, một số cổ đông nhỏ lẻ đề xuất lãnh đạo cần phải mua vào cổ phiếu để tăng tính trách nhiệm khi làm việc.

“Tôi tham gia thị trường chứng khoán 13 năm, tôi đã ngã trận nhớ nhất trong đời vào ngày 23/10/2014 khi ông Hà Văn Thắm bị bắt. Phần lớn tài sản của tôi đầu tư vào đây, cho đến giờ tôi vẫn gắn bó và mong OGC trở lại. Vậy nên các lãnh đạo hãy chia sẻ với cổ đông, mua vào cổ phần đi để cùng chung tay đưa doanh nghiệp hồi phục", cổ đông Nguyễn Thanh Tùng đề nghị.

Theo đề xuất, thù lao của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ocean Group ở mức 1,2 tỷ đồng/năm, Phó chủ tịch là 240 triệu đồng/năm, 3 thành viên Hội đồng Quản trị là 360 triệu đồng/người/năm. Thù lao của thành viên Ban Kiểm soát đạt 120 triệu đồng/người/năm.

Nhận chỉ trích của nhà đầu tư, ông Lê Quang Thụ cho biết bản thân ông nhận vị trí cao nhất tại tập đoàn không phải vì tiền, bởi có nhiều vị trí cho ông nhiều tiền hơn, song vẫn phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

“Ai cũng có một gia đình, đi làm không vì lý tưởng đâu mà vì gia đình, thu nhập của tôi trước đây cao hơn nhiều nhưng có lúc không phải lương cao hay thấp ta sẽ làm. Đảm nhận vị trí này tôi không được tham gia vào chỗ khác để làm thêm trong khi các thành viên Hội đồng Quản trị có thể làm chỗ khác, thu nhập đảm bảo cuộc sống được. Tôi ngồi đến giờ này, khẳng định ngồi ở đây không phải vì tiền”, ông Thụ nói.

Còn ông Lê Huy Giang, Tổng giám đốc Ocean Group khẳng định vị trí này đem lại rất nhiều mệt mỏi, 12 giờ đêm vẫn làm việc rất căng thẳng. Ông nói, sẵn sàng nhường lại vị trí cho người khác.

Năm 2017, Ocean Group đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.272 tỷ đồng với tổng lợi nhuận trước thuế 26 tỷ đồng và dự kiến lỗ sau thuế 14 tỷ đồng.

Theo kết quả mới nhất, hết quý 1, Ocean Group ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 203 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 4,5 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ 2016.

Ông Lê Huy Giang cho biết, quý 2/2017, Ocean Group dự kiến đạt 400 tỷ đồng doanh thu và lãi chưa trích lập dự phòng là 10 tỷ đồng.