23:39 30/06/2015

“Mở room, cơ hội không dành cho mọi doanh nghiệp”

Phi Sơn

Hành trình đến mở room thực sự cho nhà đầu tư ngoại vẫn còn xa

Bà Đàm Ngọc Bích, Phó tổng giám đốc phụ trách về tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Bà Đàm Ngọc Bích, Phó tổng giám đốc phụ trách về tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Cánh cửa sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam dường như đã mở toang, với Nghị định 60/2015/NĐ-CP vừa được Thủ tướng ký ban hành.

Thế nhưng, hành trình đến với việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có vẻ lại không hề đơn giản, từ góc nhìn của bà Đàm Ngọc Bích, Phó tổng giám đốc phụ trách về tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

“Hành trình còn xa”

Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã ban hành, với quy định cho phép doanh nghiệp được quyền tự quyết tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, trừ các quy định chuyên ngành. Bà nghĩ sao về động thái tạo điều kiện cho mở “room” này?

Mở “room” là vấn đề được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chờ đợi suốt nhiều năm qua, và cũng phù hợp với các cam kết WTO mà Việt Nam đã ký cũng như xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc ban hành quy định liên quan đến vấn đề sở hữu tại Nghị định 60 vào thời điểm này cho thấy động thái mở cửa tích cực từ chính cơ quan quản lý, sự nhất quán trong tuân thủ cam kết quốc tế và chính sách thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào nghị định này mà cho rằng vốn nước ngoài sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam thì có lẽ là nhà đầu tư đã hy vọng hơi quá đà.

Hành trình đến mở room thực sự cho nhà đầu tư ngoại vẫn còn xa, và có thu hút được vốn hay không vào doanh nghiệp, thị trường chứng khoán lại là một vấn đề khác.

Vì sao lại như vậy, theo bà?

Có nhiều vấn đề tác động đến việc mở room.

Thứ nhất là câu chuyện giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại từng ngành nghề kinh doanh. Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được quyết, tức là phải có độ trễ nhất định sau khi nghị định này có hiệu lực.

Thứ hai là vấn đề xác định mức sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài tại từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện nay đa số đều có nhiều hơn một ngành nghề kinh doanh, và không phải ngành nghề nào cũng được mở tung sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bản thân việc xác định ngành nghề kinh doanh - theo thực tế, theo giấy phép - của doanh nghiệp cũng là một vấn đề không hề đơn giản.

Và cuối cùng là việc đại hội cổ đông thông qua mức giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo tôi tìm hiểu, hiện nay mới chỉ có rất ít doanh nghiệp đã xin ý kiến đại hội cổ đông về việc thông qua tỷ lệ sở hữu mới của nhà đầu tư nước ngoài sau khi quy định mới về mở room có hiệu lực.

Điều này có thể hiểu là sau khi có quy định của Nhà nước về tỷ lệ sở hữu từng ngành cụ thể, hội đồng quản trị các doanh nghiệp sẽ phải họp để có ý kiến thống nhất về phương án cho phép tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài, rồi mới tổ chức họp đại hội cổ đông thông qua phương án đó.

Đó là cả một hành trình, không thể tính bằng một vài tháng được.

Thách thức và sức ép

Dù sao, thị trường vẫn đang hy vọng Nghị định 60 sẽ thổi một luồng gió mới cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Còn suy nghĩ của bà?

Tôi nghĩ là, chắc chắn dòng vốn ngoại sẽ tăng lên, nhưng, bạn đừng nghĩ là tiền ngoại sẽ ồ ạt vào thị trường chứng khoán, vào doanh nghiệp nói chung.

Với những doanh nghiệp đầu ngành trong từng lĩnh vực, quy mô hoạt động đủ lớn, room của nhà đầu tư nước ngoài đã hết hoặc gần hết, nay cơ hội có thêm nhà đầu tư nước ngoài là khá cao.

Có một thực tế là trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp đã không thu hút được nhà đầu tư ngoại chủ yếu do giới hạn tỷ lệ sở hữu dưới 49%, dẫn đến nhà đầu tư ngoại không muốn thực hiện thương vụ, do họ không chi phối được doanh nghiệp. Việc mở room sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngoại tham gia sâu hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược ngành.

Giai đoạn đầu mở cửa, vốn ngoại sẽ có thể tăng ồ ạt vào những doanh nghiệp mà khối ngoại vốn ưa thích. Sau đó sẽ là cơ hội của các thương vụ mua bán - sáp nhập và dòng vốn sau đó có thể sẽ chậm lại, nếu các yếu tố khác không thay đổi.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào bình diện sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán, sẽ thấy, không hẳn cứ mở cửa là sẽ thu hút được vốn ngoại.

Bởi, một là quy mô của bạn phải đủ lớn. Hai là phải có lợi thế đặc biệt, trong lĩnh vực mà họ quan tâm đầu tư.

Ba là hiệu quả. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn chẳng có nhà đầu tư ngoại, thì giới hạn 49%, chứ mở lên 65% hay 100% thì cũng chưa chắc đã có vốn mới vào.

Chuyển sang một góc độ khác, nếu tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài được tăng lên, liệu đâu sẽ là những thách thức lớn cho thị trường chứng khoán, doanh nghiệp?

Chúng ta đã nghe nhiều đến việc thâu tóm dẫn đến chi phối một số lĩnh vực của nhà đầu tư ngoại trong thời gian qua.

Đó là điều có thể xảy ra nếu nhà đầu tư không định giá được chính xác giá trị, tiềm năng của doanh nghiệp mình đang sở hữu.

Cạnh tranh và nguy cơ bị đào thải cũng có thể tăng lên, nếu doanh nghiệp Việt không chủ động bảo vệ mình.

Nhưng điều này, dù có mở room hay không thì vẫn sẽ diễn ra, bởi thay vì mua một doanh nghiệp niêm yết, người ta có thể thành lập mới hoặc mua một doanh nghiệp ngoài sàn.

Vấn đề thứ hai với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, có lẽ là sự phụ thuộc của nhà đầu tư trong nước vào giao dịch của khối ngoại.

Chúng ta đã nói nhiều đến việc tăng giảm của thị trường chứng khoán theo giao dịch của khối ngoại, và khi mở room, hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán lớn hơn, thì có lẽ, mức ảnh hưởng sẽ lớn hơn nữa.

Việc này, theo tôi bắt nguồn từ việc vốn hóa của thị trường chứng khoán đang phụ thuộc quá nhiều vào một vài mã chứng khoán, nên giao dịch của nhà đầu tư ngoại sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên VN-Index.

Bên cạnh đó, là việc tâm lý nhà đầu tư nội chưa vững vàng, dẫn tới việc cùng là cổ phiếu ấy, ngày hôm nay họ đổ xô mua vì khối ngoại hôm mua vào, nhưng ngày hôm sau có thể bán ra ồ ạt vì khối ngoại bán ròng. Họ chưa tự tin vào quyết định của chính mình.

Một bộ phận cũng sẽ phải chịu sức ép lớn hơn, đó là ban lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu làm không tốt hoặc không hiệu quả, hoặc đôi khi là việc truyền thông không hiệu quả, họ có thể sẽ là người bị tác động đầu tiên nếu bị sa thải.

Dù sao thì về khía cạnh này, tôi nghĩ thị trường sẽ được lợi, vì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp có cơ hội được cải thiện nhờ tác động từ cạnh tranh đó.