07:54 18/05/2015

Nâng cao vị thế thị trường chứng khoán: “Muốn là làm được”

Thu Thủy

Điều đáng quan ngại nhất chính là sự chưa nhìn nhận, đánh giá đúng về vai trò của thị trường chứng khoán

Các diễn giả tại buổi thảo luận “vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế” tại HOSE ngày 15/5.<br>
Các diễn giả tại buổi thảo luận “vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế” tại HOSE ngày 15/5.<br>
Thị trường tài chính phát triển trên hai trụ cột chính, là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Nhưng cho đến giờ, thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn đóng vai trò chủ đạo và quan trọng trong việc huy động vốn cho cả nền kinh tế, trong đó các ngân hàng và tổ chức tín dụng giữ vị trí then chốt.

Trong bối cảnh như vậy, “vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế” là chủ đề chính được thảo luận sôi nổi tại một hội thảo do Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức cuối tuần qua.

Chân cao, chân thấp

Theo ông Trần Đắc Sinh, tổng vốn huy động bình quân hàng tháng năm 2014 của các ngân hàng và tổ chức tín dụng đạt khoảng 4,7 triệu tỷ đồng, cung ứng khoảng 3,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.

Các số liệu cho thấy cán cân huy động vốn hiện nay giữa thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán đang nghiêng đáng kể về thị trường tiền tệ.

Còn theo ông Nguyễn Thành Long - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 15 năm qua thị trường chứng khoán đã có vị thế nhất định nhưng trong điều kiện kinh tế Việt Nam còn cần có vị trí, vai trò quan trọng hơn.

“Từ 2005 đến nay, thị trường chứng khoán đã giúp hệ thống ngân hàng tăng vốn từ 20,6 nghìn tỷ đồng lên 270 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho doanh nghiệp”, ông Long nói.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, so sánh về giá trị thì vốn từ thị trường tiền tệ hiện vẫn gấp hơn hai lần so với dòng vốn huy động từ thị trường chứng khoán. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, cần tới 15 năm để xử lý sự mất cân đối trong thị trường tài chính giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh nói, trong 15 năm qua, gần 1.000 đợt huy động vốn của các công ty niêm yết đã được thực hiện trên HOSE. Bình quân các công ty niêm yết đã tăng gấp đôi quy mô về vốn điều lệ sau khi lên niêm yết, một số công ty có mức tăng vốn điều lệ trên 15 lần.

Bên cạnh việc thu hút vốn trong nước, thị trường chứng khoán cũng đã giúp thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hỗ trợ đáng kể cho nhu cầu vốn sản xuất trong nước.

Hơn nữa, thị trường chứng khoán phát triển còn góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện hai trong 3 nội dung trụ cột của chương trình tái cấu trúc là tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo HOSE nhìn nhận.

“Muốn là làm được”

Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cảnh báo nếu không cải cách thị trường tài chính đặc biệt là thị trường vốn, Việt Nam sẽ rất khó đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 7-7,5% như giai đoạn trước đây.

Theo ông Trần Đắc Sinh, bên cạnh những nguyên nhân mang tính lịch sử như thói quen gửi tiết kiệm của nhà đầu tư, sự phát triển lâu đời của hệ thống ngân hàng…, cũng cần nhìn nhận những hạn chế của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi các công cụ đầu tư, giao dịch và phòng ngừa rủi ro trên thị trường vẫn còn hạn chế, quy mô thị trường tuy có sự tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn chưa đủ lớn trong mối tương quan với các thị trường trong khu vực, các quy định về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã hạn chế sự tham gia của các đối tượng này vào thị trường…

Các hạn chế một khi đã được nhận diện sẽ có những giải pháp để khắc phục. Tuy nhiên, đáng quan ngại nhất chính là sự chưa nhìn nhận, đánh giá đúng về vai trò của thị trường chứng khoán nói riêng hay thị trường vốn nói chung trong việc huy động vốn và phát triển kinh tế, ông Sinh nói.

“Thị trường chứng khoán cần được nhìn nhận với đúng vai trò của mình là kênh huy động vốn trung và dài hạn chính và chủ yếu cho phát triển kinh tế, nơi kết nối giữa nhu cầu huy động vốn dài hạn với nhu cầu đầu tư dài hạn, là nơi cung cấp các cơ hội đầu tư khác nhau, đa dạng hóa sở hữu, cũng là nơi hội nhập quốc tế và thực thi các chính sách phát triển của nhà nước và Chính phủ”, Chủ tịch HOSE nói.

Đánh giá về con số khoảng 57 tỷ USD vốn hóa thị trường chứng khoán sau 15 năm phát triển, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, cho rằng, cần làm thế nào để sau 15 năm nữa khi nhìn lại thì bảng xếp hạng vốn hóa thị trường Việt Nam có sự cải thiện, nhất là nhìn trong so sánh với các thị trường chứng khoán trong khu vực.

“Điều này tùy vào chính sách có muốn hay không. Nếu muốn là làm được”, ông Lịch nhấn mạnh.