15:49 20/10/2016

“Nhiều tiềm năng cho thị trường chứng khoán Việt Nam”

Minh Tú

Những công ty chứng khoán trong nước đang chờ đợi những sản phẩm dịch vụ bổ sung khác từ cơ quan quản lý, từ đó làm gia tăng tỷ lệ tham gia và nhà đầu tư trong thị trường vốn

Ông Steven Brown, Trưởng phòng cao cấp Khối khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Ông Steven Brown, Trưởng phòng cao cấp Khối khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
"Thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tốt và khả năng thích ứng lớn với những thay đổi. Những công ty chứng khoán trong nước đang chờ đợi những sản phẩm dịch vụ bổ sung khác từ cơ quan quản lý, từ đó làm gia tăng tỷ lệ tham gia và nhà đầu tư trong thị trường vốn".

Đó là nhận định của ông Steven Brown, Trưởng phòng cao cấp Khối khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Nhận định của ông về sự chuyển hóa của công ty chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua?
 
Khoảng 15 năm trước đây, thị trường vốn Việt Nam ghi nhận mức giá trị giao dịch hàng ngày dưới 100.000 USD, với chỉ khoảng 20 công ty niêm yết, cùng với giá trị vốn hóa dưới 150 triệu USD.

Các nhà đầu tư phần lớn là người Việt Nam và thường giao dịch với chu kỳ ngắn hạn. Hiện nay, nhờ vào nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán và tất cả những thành viên thị trường, các nhà đầu tư giờ đây đã có thể giao dịch với gần 700 công ty trên cả 2 sàn giao dịch, số lượng các ngành và nhà đầu tư đang gia tăng từng ngày.

Nhìn vào số liệu thống kê của thị trường hiện tại, có thể thấy chúng ta có 2 sàn giao dịch với gần 60 tỷ USD giá trị vốn hóa, giá trị giao dịch hàng ngày khoảng 100 triệu USD.

Đây là một bước phát triển đáng kinh ngạc so với thời điểm ban đầu. Tuy nhiên, với tỷ lệ công dân Việt Nam tham gia đầu tư chứng khoán hiện chỉ đạt khoảng 5% cho thấy tiềm năng tăng trưởng to lớn của thị trường trong tương lai.

Vậy cơ hội đầu tư ở thị trường Việt Nam rất rộng mở?

Việt Nam là một điểm đến rất tiềm năng tại thời điểm hiện tại. Các đặc điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là sự ổn định tiền tệ, ổn định chính trị, một thị trường vốn đang phát triển, thoái vốn nhà nước trong các ngành công nghiệp đang được đánh giá cao, năng suất và hiệu suất lao động gia tăng của công dân làm việc tại Việt Nam.

Việt Nam có thể cung cấp hàng hóa sản xuất, xuất khẩu cao su, dừa, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; các dịch vụ công nghệ thông tin…Tất cả các yếu tố trên tạo cơ hội vững chắc và dài hạn cho nhà đầu tư.

Một số ngân hàng nước ngoài đến Việt Nam như Shinhan (Hàn Quốc), ANZ (Australia) đã thành lập chi nhánh tại Việt Nam, các quỹ đầu tư quốc gia đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam như Chính phủ Singapore (GIC) đầu tư mua lại 7,7 % của Vietcombank…

Việt Nam cũng đang cân nhắc rất kỹ trong việc đẩy mạnh tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước. Điều này có nghĩa là sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài được mở rộng. Kế hoạch thoái vốn của SCIC đang diễn ra. Mới nhất là việc công bố bán 9% cổ phần của Vinamilk.

Việc này nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường chứng khoán, cho phép các nhà đầu tư tham gia vào các cơ hội đó một cách minh bạch và hiệu quả.

Và sắp tới chúng ta sẽ được chứng kiến ngày càng nhiều ngân hàng nước ngoài mở rộng cung cấp dịch vụ của họ - có thể là hoạt động dưới hình thức văn phòng giao dịch hoặc cung cấp các dịch vụ ngân hàng cơ bản - để có thể cung cấp cho các quỹ tương hỗ, tư vấn tài chính toàn diện và dịch vụ môi giới chứng khoán.

Chia sẻ tư vấn đầu tư, tư vấn hưu trí và các sản phẩm quỹ tương hỗ… sẽ được cung cấp bởi hầu hết tất cả các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới. Và khi đó, VCSC sẽ là nơi lý tưởng để cung cấp các loại dịch vụ này cho khách hàng.

Với thời gian làm việc tại các công ty trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt kinh nghiệm quản lý tại cả 3 công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam, theo ông những quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại thị trường Việt Nam là gì?

Nhà đầu tư nước ngoài mong muốn được đối xử theo các chuẩn mực quốc tế. Họ muốn tiếp cận trực tiếp thị trường, công nghệ mới nhất, chính sách thực thi tốt nhất và bộ phận nghiên cứu thị trường chất lượng. Đại bộ phận khách hàng quốc tế và ngay cả trong nước không có quỹ thời gian nhiều để tiếp cận thị trường, trong khi có mong muốn rất lớn cần trao đổi với bộ phận môi giới và nghiên cứu, cân nhắc những cơ hội đầu tư và đặt lệnh mua/bán - một cách an toàn.

Ngoài ra, tất cả các khách hàng trong nước và quốc tế cần được hỗ trợ đầy đủ từ ngay khâu mở tài khoản giao dịch, phù hợp với các yêu cầu giao dịch và quản lý đầu tư riêng của khách hàng. Khách hàng quốc tế mong muốn được hỗ trợ và tư vấn theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Vậy đâu là yếu tố giúp nhà đầu tư nước ngoài đến với VCSC?

Khách hàng của VCSC đến từ khắp nơi trên thế giới. Tại VCSC, các hệ thống Bloomberg EMSX FIX, OMGEO và Portware hỗ trợ cho giao dịch của khách hàng rất chuyên nghiệp, dịch vụ hỗ trợ khách hàng theo chuẩn mực đạo đức và minh bạch, tương tự các công ty hoạt động trên các thị trường khác.

VCSC sở hữu bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp năng động, chuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa Khách hàng với các công ty niêm yết và công ty tư nhân, cũng như tổ chức các hội thảo Road Show (giới thiệu cơ hội đầu tư).

Vừa qua, VCSC đã hỗ trợ Công ty Cổ phần nông nghiệp GTN Foods (HSX: GTN) tổ chức Road Show tại Singapore, giúp GTN Foods huy động thành công 60 triệu USD thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ cho Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - doanh nghiệp đứng thứ 2 thị phần tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam - tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại Singapore và Hồng Kông.

Theo kế hoạch cổ phần hóa, PV Oil sẽ thực hiện IPO trong thời gian sắp tới và VCSC là nhà tư vấn và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho PV Oil.

Chúng tôi đã và đang tổ chức hội nghị đầu tư Vietnam Access Day (VAD). Đây là sự kiện đầu tư lớn nhất trong ngành được tổ chức định kỳ hàng năm tại Việt Nam kể từ 2012. Năm 2016, VAD đã thu hút hơn 570 nhà đầu tư và tổ chức tham dự.

Khoảng 40% trong số này đến từ các quốc gia khác, là minh chứng rõ nét cho khả năng giới thiệu thị trường vốn Việt Nam đến cộng đồng đầu tư quốc tế của VCSC. Trong 6 tháng đầu năm 2016, thị phần môi giới nước ngoài của VCSC tại HOSE đạt trên 30,76%, đứng đầu thị trường.

Việc đoạt các giải thưởng “Ngân hàng đầu tư tốt nhất Việt Nam”, “Công ty tư vấn huy động vốn tốt nhất Việt Nam (2016)” bởi tạp chí Finance Asia, “Công ty Huy động vốn tốt nhất Việt Nam giai đoạn 2007 - 2016" bởi tạp chí Alpha Southeast Asia,… cho thấy mô hình kinh doanh cam kết việc áp dụng những chuẩn mực quốc tế trong việc phục vụ Khách hàng của VCSC được ghi nhận bởi các khách hàng lẫn các hãng truyền thông quốc tế.

Với tiềm năng to lớn của thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán nói chung và VCSC nói riêng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai?

Thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng mạnh mẽ và khả năng thích ứng lớn với những thay đổi. Những công ty chứng khoán trong nước đang chờ đợi những sản phẩm dịch vụ bổ sung khác từ cơ quan quản lý, và khi các sản phẩm này xuất hiện, bao gồm các các sản phẩm đại chúng, như quỹ hưu trí đầu tư chứng khoán của người lao động Việt Nam, sẽ làm gia tăng tỷ lệ tham gia và nhà đầu tư trong thị trường vốn.

Thị trường đang phát triển theo đúng hướng và tiếp tục phát triển nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung vào việc cung cấp sản phẩm cho thị trường, định hướng thị trường hoạt động hiệu quả, minh bạch, và vận hành theo hướng có lợi cho tất cả thành phần tham gia.

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện có 79 công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam (số liệu vào cuối tháng 09/2016), mở ra một môi trường cạnh tranh rộng mở đối với các công ty. VCSC sẽ luôn nỗ lực để đảm bảo các lợi thế về thị phần của chúng tôi, cũng như tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế về đạo đức nghề nghiệp, dịch vụ chuyên nghiệp... để phục vụ khách hàng.

Lĩnh vực nào được quan tâm đầu tư trong năm tới, theo dự đoán của ông?

Trong những tháng còn lại của năm 2016 và qua năm 2017, tôi tin rằng Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát lạm phát, trong khi tham gia vào các sáng kiến để xây dựng năng lực cạnh tranh hiên có của nước ta trong khu vực.

Chính sách của Chính phủ đã tạo ra năng lực cạnh tranh xuất khẩu mạnh mẽ, như thặng dư thương mại đạt 2,87 tỷ USD trong tháng 8 so với đầu năm, điểm nổi bật làm cho quốc gia trở thành dẫn đầu khu vực về đầu tư FDI. Cụ thể, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt dưới 10 tỷ USD tính đến tháng 8, tăng 1 cách ấn tượng 8,9%.

Sản xuất là lĩnh vực đầu tư FDI phổ biến nhất - từ dệt may đến công nghệ cao - và xu thế này có khả năng tiếp tục diễn ra. Các nhà đầu tư FDI ngày càng xem Việt Nam như là nơi để xuất khẩu và một thị trường nội địa để nhập khẩu - nhờ sự tăng lương và khả năng chi tiêu tự do của công dân.

Chính phủ theo sát tăng trưởng tín dụng (cho vay tài chính tiêu dùng); lạm phát thấp và tăng trưởng GDP cao của Việt Nam sẽ tiếp tục làm cho Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư trong sự lựa chọn của các khách hàng tổ chức.