17:04 02/07/2015

“Sẽ mở room với những ngành kinh doanh có điều kiện”

Khánh Hà

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đối thoại với các nhà đầu tư Mỹ trong hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam

Hơn 150 đại diện tổ chức đầu tư, tập đoàn tài chính lớn đã tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, tổ chức tại New York hôm 1/7.<br>
Hơn 150 đại diện tổ chức đầu tư, tập đoàn tài chính lớn đã tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, tổ chức tại New York hôm 1/7.<br>
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng khẳng định, ngay cả với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) cũng sẽ được mở tiếp sau khi rà soát.

Đối thoại với các nhà đầu tư Mỹ trong hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì ngày 1/7/2015 tại New York, ông Vũ Bằng đã làm rõ thêm các quy định tại Nghị định 60 vừa được Chính phủ Việt Nam ban hành.

Ông nói, sau khi Nghị định 60 được ban hành, các tổ chức đầu tư Mỹ đặc biệt quan tâm và đánh giá cao. Tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến việc quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam

“Trước đây, khi room ở mức 49%, tức là cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tối đa 49% vốn tại các doanh nghiệp, cũng loại trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nay room là 100%, cũng thực hiện việc loại trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, ông nói.

“Tuy nhiên, có một điểm khác là trong việc nới room lên 100%, chỉ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài mới bị loại trừ, còn các ngành kinh doanh có điều kiện khác sẽ không hạn chế tỷ lệ sở hữu của khối ngoại”.

Đại diện cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cũng nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam khi mới ra đời có quy định tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 30%, sau đó được nâng lên 49%, và nay là 100%, thể hiện quyết tâm đổi mới nền kinh tế và hội nhập.

Hơn 150 đại diện tổ chức đầu tư, tập đoàn tài chính lớn đã tham dự hội nghị nói trên, như WL Ross & Co, Harbinger, HSBC, Citigroup, Blackstone, Warburg Pincus, Manulife Global, Capital Groups Companies Inc…, với tổng tài sản quản lý hàng nghìn tỷ USD.

Wibur L. Ross, vị tỷ phú người Mỹ có tài sản trên 3 tỷ USD, xếp thứ 200 tại Mỹ và 600 trên toàn cầu, cho rằng Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư vào chứng khoán.

“Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên là năm 2001, khi đó, các gia đình ở đây chủ yếu đi bằng xe đạp. Vừa qua, tôi có dịp đến thăm Việt Nam và nhận thấy, nhiều gia đình ở đây sở hữu ôtô. Rõ ràng, Việt Nam đang có các bước tăng trưởng kinh tế ấn tượng”, ông nói.

Một điểm khiến ông cảm thấy ấn tượng với Việt Nam là nỗ lực cải cách nền kinh tế, trong đó có việc cải cách chính sách thuế và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện mạnh mẽ.

Vị tỷ phú 78 tuổi này cho rằng, những ngành có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và bất động sản là những ngành đáng quan tâm đầu tư.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trên thị trường vốn, nhiều tập đoàn tài chính lớn của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam.

Tổng số nhà đầu tư Mỹ hiện nay là 995 nhà đầu tư, trong đó có 565 nhà đầu tư tổ chức, 430 nhà đầu tư cá nhân, chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong các nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch.

Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán khẳng định, với quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa gắn với niêm yết, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2015-2020.

Cùng với quyết sách nới room của Chính phủ, trong nội tại thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động tái cấu trúc và các giải pháp hỗ trợ, như rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2, áp dụng giao dịch trong ngày, giảm thủ tục đăng ký giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh…

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cũng thể hiện quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên hiện nay lên mức thị trường mới nổi, để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.