18:00 13/07/2016

“Tạm quên” Brexit, chứng khoán thế giới lên gần đỉnh

Diệp Vũ

Các chỉ số chính của chứng khoán toàn cầu đã lấy lại được số điểm mất mát do ảnh hưởng tiêu cực của Brexit

Các nhà giao dịch chứng khoán đang làm việc trên sàn giao dịch Frankfurt, Đức ngày 12/7 - Ảnh: Reuters.<br>
Các nhà giao dịch chứng khoán đang làm việc trên sàn giao dịch Frankfurt, Đức ngày 12/7 - Ảnh: Reuters.<br>
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang tiến gần mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay khi triển vọng về chính sách kích cầu của các nền kinh tế lớn che mờ nỗi lo trước đó của các nhà đầu tư về việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Theo hãng tin Reuters, những động thái gấp rút của Đảng Bảo thủ cầm quyền Anh về việc đưa bà Theresa May lên làm Thủ tướng thay thế ông David Cameron vào ngày 13/7 đã một phần hỗ trợ sự tăng điểm này của chứng khoán thế giới.

Đến chiều ngày 13/7 theo giờ Việt Nam, các chỉ số chính của chứng khoán toàn cầu đã lấy lại được số điểm mất mát do ảnh hưởng tiêu cực của Brexit. Tuy nhiên, tỷ giá đồng Bảng Anh vẫn chưa trở lại được mức tỷ giá trước cuộc trưng cầu dân ý.

Phiên hôm nay, thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng thêm khoảng 0,3%, lên gần mức đỉnh của năm 2016 thiết lập hồi tháng Tư. Thị trường chứng khoán châu Âu mở cửa ngày giao dịch với mức tăng 0,2%, trên đà có phiến tăng điểm thứ 5 liên tục.

Các nhà giao dịch nói rằng những lo ngại về ảnh hưởng kinh tế-chính trị từ tiến trình đàm phán Brexit được dự báo là nhiều sóng gió vẫn còn đó, nhưng vấn đề này đang được các nhà đầu tư tạm gác lại ở thời điểm hiện tại. Kỳ vọng rằng sự mất giá của đồng Bảng sẽ giúp ích cho các công ty Anh đã đưa chỉ số FTSE lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2015 vào đầu phiên giao dịch ngày 13/7.

“Đây là một sự giải tỏa nỗi lo ngắn hạn của thị trường nhờ việc Anh nhanh chóng có một vị Thủ tướng mới”, ông Tobias Davis, trưởng bộ phận bán trái phiếu doanh nghiệp thuộc công ty Western Union ở London, nhận định.

“Con đường phía trước vẫn còn những thách thức rất lớn. Chứng khoán tăng điểm còn nhờ lợi suất trái phiếu âm ở Thụy Sỹ, Đức, Nhật Bản… Trên thực tế, bối cảnh kinh tế đang xấu đi”.

Trước đó, trong phiên ngày 12/7, hai chỉ số S&P và Dow Jones của chứng khoán Mỹ đã đạt mức kỷ lục, còn chỉ số Nasdaq đã tăng điểm so với đầu năm, khi giới đầu tư tin tưởng rằng kinh tế Mỹ đang có được sự tăng trưởng vững vàng sau một loạt số liệu kinh tế khả quan gần đây.

Sau khi sụt giảm tới 14% vì Brexit, tỷ giá đồng Bảng Anh phiên hôm nay đã lên mức cao nhất trong hơn 1 tuần với 1,3340 USD đổi 1 Bảng. Tuy nhiên, do vẫn bị bán ra mạnh, đồng tiền này nhanh chóng giảm trở lại về mức 1,3228 USD/Bảng.

Trong khi đó, Yên Nhật, đồng tiền mà giới đầu tư thường ưa chuộng trong các thời điểm thị trường bất ổn, tăng 0,5% so với đồng Euro và USD. Trước đó, đồng Yên đã giảm giá mạnh khi Chính phủ Nhật sắp có thêm biện pháp kích thích tăng trưởng.

Sau khi liên minh cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật vào cuối tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu Chính phủ nước này chuẩn bị một gói kích cầu mới.

Một cuộc gặp giữa ông Abe với cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke - một người theo trường phái chính sách tiền tệ siêu nới lỏng - làm dấy lên những đồn đoán cho rằng một phần chương trình kích cầu mới của Nhật sẽ là biện pháp nới lỏng của Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ).

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng được dự báo sẽ đưa ra quan điểm mềm mỏng trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần sau.

“Sau khi đối mặt với nguy cơ giảm tốc mạnh của nền kinh tế toàn cầu vì Brexit, các chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới đang được trông chờ làm hết mức có thể để trấn an thị trường và kích cầu cho nền kinh tế”, nhà phân tích thị trường Angus Nicholson thuộc công ty IG ở Melbourne nhận định.