16:53 31/03/2017

Thị trường ngày 31/3: VNM có để lại “họa”?

Lan Ngọc

Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào rất mạnh ở VNM, nhưng không còn đẩy giá lên cao được nữa

VN-Index đã suy yếu rất nhiều về cuối phiên.
VN-Index đã suy yếu rất nhiều về cuối phiên.
Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào rất mạnh ở VNM, nhưng không còn đẩy giá lên cao được nữa. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chốt giảm 0,49%.

VNM được khối ngoại tung ra hơn 148 tỷ đồng mua vào 1,02 triệu cổ phiếu trên sàn khớp lệnh. Sức cầu này chiếm 74% thanh khoản của VNM. Tỷ trọng gia dịch này cũng tương đương các phiên trước, nhưng nhà đầu tư trong nước đã bán ra mạnh hơn. Khối lượng giao dịch của VNM đã tăng lên mức cao nhất trong 6 phiên.

Khối ngoại mua mạnh VNM gần đây rất có thể là giao dịch của F&N Dairy Investment. Tổ chức này đăng ký mua mới nhất là 21,77 triệu VNM và giao dịch dự kiến đến 7/4 sẽ kết thúc, tức là còn đúng 1 tuần giao dịch nữa.

Trong lần đăng ký mua hồi tháng 2/2017, giá VNM rất ít biến động. Tuy nhiên lần đăng ký mua này giá lại tăng khá mạnh từ quanh 130.000 đồng lên gần 145.000 đồng. Giá trị giao dịch mua mỗi phiên đều rất lớn, có thể là tổ chức này đã thay đổi cách mua, chấp nhận đẩy giá lên. Nếu giao dịch kết thúc mà chưa mua đủ số lượng, có thể F&N Dairy Investment sẽ lại đăng ký mua tiếp, nhưng đợt mua này khá “dữ dội” nên khối lượng mua được có thể sẽ cao hơn nhiều lần trước.

Phiên hôm nay VNM được mua ròng gần 99,4 tỷ đồng, một mình cân bằng lại toàn bộ vị thế giao dịch ròng của khối ngoại trong rổ VN30. Cụ thể, tổng giá trị mua ròng khớp lệnh của rổ là 99,82 tỷ đồng, suýt soát con số của VNM.

Ngoài VNM, rổ VN30 cũng có vài mã được mua ròng lớn như CII +15,3 tỷ đồng, HSG +9,4 tỷ, HPG +9,1 tỷ, CTD +5,3 tỷ, DPM +5,1 tỷ. Tuy nhiên các mã này lại phải bù cho PVD bị bán ròng 29,8 tỷ đồng, VCB -11,2 tỷ, BVH -9,8 tỷ, đã gần hết.

VNM rơi vào xu thế giảm giá gần như trọn phiên hôm nay. Đỉnh cao nhất VNM đạt được là 145.100 đồng lúc 9h33, tăng 0,76% so với tham chiếu. Tuy nhiên toàn bộ thời gian còn lại, VNM trượt giảm dần và đóng cửa ở giá thấp nhất, giảm 0,49% so với tham chiếu.

SAB cũng là cổ phiếu rất kém hôm nay. Giao dịch không khác lắm so với hôm qua, cùng là thanh khoản cực thấp, chỉ có giá  diễn biến theo chiều ngược lại. Hôm qua SAB tăng giá kéo điểm số và hôm nay là giảm mạnh 0,99%, lấy đi gần 0,5 điểm.

Không chỉ vậy, nguyên dàn các cổ phiếu vốn hóa lớn hôm nay giảm đáng kể: VCB giảm 0,81%, BVH giảm 1,82%, VIC giảm 0,95%, BID giảm 1,13%, CTG giảm 1,36%, BHN giảm 3,45%, MBB giảm 1,29%...

Phía tăng giá, GAS trở thành trụ chính với mức tăng 1,1% so với tham chiếu. Cổ phiếu này đang đóng cửa ở mức cao nhất 10 phiên nhưng vẫn chỉ là mức phục hồi rất nhẹ so với nhịp giảm cuối tháng 2. MSN tăng 1,18% cũng đóng góp đáng kể cho VN-Index. Ngoài ra có thể kể tới ROS tăng 1,23%, HPG tăng 2%.

Sàn HSX chỉ có duy nhất chỉ số VN-Index giảm, còn VN30-Index vẫn tăng nhẹ 0,1%, Midcap tăng 0,03% và Smallcap tăng 0,04%. Tuy nhiên diễn biến các chỉ số này khá giống nhau, đều mất dần độ cao về cuối phiên, đặc biệt là VN30-Index.

Sàn HNX khá thú vị khi các chỉ số lớn đều giảm: HNX-Index giảm 0,33%, HNX30 giảm 0,83%. Chỉ có nhóm vừa và nhỏ lại tăng 0,72%. Khá nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng mạnh, thậm chí có tới 26 mã trong nhóm này kịch trần. Tuy nhiên đa số cổ phiếu chỉ có giao dịch vài trăm tới vài ngàn cổ phiếu ở giá trần.

Quy mô thanh khoản hôm nay tăng nhẹ 2,2% về khối lượng nhưng lại giảm hơn 1% về tổng giá trị. Riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch đạt 3.760,1 tỷ đồng hai sàn, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua 331,4 tỷ đồng, bán ra 160,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận là cân bằng nội khối.