08:45 28/12/2007

Thủy điện Hương Sơn thiệt hại nặng vì tranh chấp

Phúc Lâm

Theo tính toán, dự án Thủy điện Hương Sơn đã bị chậm tiến độ một năm, gây thiệt hại không chỉ cả trăm tỷ đồng

Con đường dẫn vào dự án Thủy điện Hương Sơn.
Con đường dẫn vào dự án Thủy điện Hương Sơn.
Các hạng mục của Nhà máy Thủy điện Hương Sơn đang thi công khẩn trương, nhưng theo tính toán, dự án đã bị chậm tiến độ một năm, gây thiệt hại không chỉ cả trăm tỷ đồng. 

Những ngày này, từ Quốc lộ 8A, nếu muốn đi vào dự án Thủy điện Hương Sơn ở thượng nguồn sông Nậm Chốt (xã Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh), thật không đơn giản. Chỉ cần một trận mưa, lập tức 10 km đầu tiên của tuyến đường nối quốc lộ 8A vào dự án này gần như một con sông bùn.

Thi công gói thầu số 1 bị chậm trễ

Ông Hoàng Đức Triệu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn cho biết: “10 km đầu tiên từ đoạn km 0 + 00 đến km 10 + 00 thuộc gói thầu số 1, trên tuyến đường vận hành vào nhà máy được Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn ký kết với Công ty Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông đô thị (Công ty Hạ tầng) thông qua hợp đồng kinh tế số 16/HĐKT - CPHS ngày 24/8/2004”.

Vậy nhưng, chỉ một năm sau đó, chủ đầu tư đã gửi ít nhất 12 công văn đôn đốc, yêu cầu Công ty Hạ tầng thi công đúng tiến độ nhưng nhà thầu vẫn không chuyển biến.

Một thực tế khác là sau khi thanh toán những phần việc đã thi công với chủ đầu tư, Công ty Hạ tầng không chịu trả tiền cho đối tác (B’). Trong Công văn số 43 ngày 28/2/2007, ông Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Miền Trung (B’ của Công ty Hạ tầng) đã nhờ đến Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn đòi nợ hộ.

“Chúng tôi đã đề nghị Công ty Hạ tầng rất nhiều lần về việc thanh toán công nợ ngay sau khi chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu xây lắp nhưng đến nay, Công ty Hạ tầng vẫn còn nợ của chúng tôi 9.409.366.083 đồng. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư can thiệp bằng biện pháp thích hợp để thanh toán số tiền nói trên”, công văn nói trên viết.

Thanh tra vào cuộc

Cùng với trên, quá trình chậm tiến độ của dự án còn bị tác động bởi một nguyên nhân khác từ sự xử lý công việc lúng túng của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, làm cho sự việc ngày càng phức tạp, khiến cơ quan thanh tra tỉnh Hà Tĩnh phải vào cuộc.

Theo báo cáo số 16 ngày 26/9/2007 và những thông tin ông Trần Quốc Toản, Phó chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cung cấp thì Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn được Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số 28.03.000.074 ngày 14/11/2003 với nhiệm vụ xây dựng dự án Thủy điện Hương Sơn.

Sau đó, Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn có sự thay đổi cổ đông sáng lập và chuyển đổi tăng vốn điều lệ. Ngày 15/12/2005, Phòng đăng ký kinh doanh đã cấp giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh (thay đổi lần 1) cho Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn với số vốn điều lệ 161,700 tỷ đồng gồm 4 cổ đông sáng lập cam kết góp vốn: COMA góp 51,744 tỷ đồng (32%); Tổng công ty Sông Đà góp 45,276 tỷ đồng (28%); Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh góp 32,340 tỷ đồng (20%) và Công ty Hạ tầng góp 32,340 tỷ đồng (20%).

Sự việc bắt đầu có vấn đề khi ngày 8/6/2006, Công ty Hạ tầng có văn bản gửi đến các cổ đông sáng lập và Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn về việc “xin không tham gia cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn”.

Nguyện vọng của Công ty Hạ tầng được chấp thuận thông qua biên bản họp giữa các bên gồm đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn và Công ty Hạ tầng với nội dung thống nhất rằng: Công ty Hạ tầng sẽ nhận lại phần vốn thực góp (1.941.100.001 đồng) + lãi suất (theo ngân hàng) + trượt giá từng thời điểm góp vốn.

Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn đã gửi hồ sơ đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh và ngày 01/12/2006, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thay đổi lần 2) cho Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn, trong đó, Công ty Hạ tầng không còn tư cách cổ đông.

Sau đó, Công ty Hạ tầng đã phản đối sự thay đổi trên và khiếu nại lên Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đáng lẽ, tại thời điểm này, Sở phải biết rằng nội bộ Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn đang phát sinh tranh chấp và nên hướng xung đột này vào hòa giải hoặc thẩm quyền giải quyết của tòa án thì đằng này, ngày 29/3/2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 10 hủy ngay giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà Sở đã cấp ngày 01/12/2006, phục hồi nguyên trạng giấy phép kinh doanh cũ.

Không đồng tình với quyết định đó, Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn đã khiếu nại lên Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng không được giải quyết. Tiếp đó, Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh.

Khi thấy sự việc phức tạp, UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan thanh tra tỉnh Hà Tĩnh tiến hành thanh tra quá trình cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Dựa trên kết luận và kiến nghị của cơ quan thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, ngày 28/9/2007, UBND tỉnh ra quyết định hủy Quyết định số 10 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, theo thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính. Trong quyết định này, UBND tỉnh cũng nhấn mạnh thêm, nếu phát sinh tranh chấp giữa các bên thì việc giải quyết thuộc về nội bộ doanh nghiệp hoặc thẩm quyền của tòa án.

Mặc dù đã gỡ rối nhưng trong thời gian 6 tháng liền, kể từ khi Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 10 đến lúc UBND tỉnh hủy quyết định này, mọi hoạt động của Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn bị đình trệ.

Ông Triệu cho biết, một năm chậm phát điện, doanh nghiệp này bị thiệt hại tới 100 tỷ đồng.