15:50 05/01/2015

Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp tục cải cách pháp lý

N.Hoàng

Năm 2014, Việt Nam vẫn được xếp vào các nước có thị trường chứng khoán tăng trưởng đứng đầu trên thế giới

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2015 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2015 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng sáng 5/10 cho biết trong năm 2015, Ủy ban sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, đưa ra các sản phẩm mới, tập trung nền tảng pháp lý để thu hút dòng vốn nước ngoài.

Tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2015 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ông Bằng nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều "cơ hội phát triển", vì nền tảng vĩ mô năm 2014 có dấu hiệu tích cực, xuất siêu đạt 2 tỷ USD, tăng trưởng GDP đạt 5,98%, lạm phát dưới 3%.

Theo ông Bằng, giá dầu sụt giảm có thể ảnh hưởng tới một số ngành và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, giá dầu giảm sẽ giúp chi phí đầu vào của các doanh nghiệp giảm qua đó hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt hơn. Các chính sách về tiền tệ, vĩ mô sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn và có tính kích thích nhiều hơn, trong khi kinh tế thế giới được dự báo tăng hơn so với dự báo trước đây 0,5%.

Năm 2015, Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác cổ phần hóa gắn với niêm yết tạo nguồn hàng chất lượng hơn cho thị trường, phát triển ETF, quỹ bất động sản, các sản phẩm mới tạo nguồn hàng cho thị trường tốt hơn.

Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp tục cải cách thị trường, với việc đầu tiên là chỉnh sửa Nghị định 58 về hướng dẫn thi hành một số điều Luật Chứng khoán, tập trung vào nền tảng pháp lý thu hút dòng vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ thể chế hóa Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng tháo gỡ khó khăn trong công tác cổ phần hóa, gắn cổ phần hóa với đăng ký giao dịch. Việc sửa đổi này sẽ nghiên cứu trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất, để tạo pháp lý kịp thời cho thị trường trong năm 2015.

Hai sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký và các đơn vị liên quan cũng được giao nhiệm vụ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng cho thị trường chứng khoán phái sinh, phát triển thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc nâng hạng thị trường, đẩy mạnh tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tăng cường kiểm tra giám sát vi phạm đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư...

Năm 2014, Việt Nam vẫn được xếp vào các nước có thị trường chứng khoán tăng trưởng đứng đầu trên thế giới. Quy mô huy động vốn trên thị trường đạt 250 nghìn tỷ đồng, trong đó đấu giá cổ phần hóa có bước phát triển quan trọng, huy động vốn qua đấu giá tại hai sở giao dịch đạt 11 nghìn tỷ đồng, đấu giá qua các công ty chứng khoán là 13 nghìn tỷ đồng, gấp 13 lần năm 2013 và 15 lần năm 2012.

So với năm 2014, mức vốn hóa thị trường tăng 19%, quy mô giao dịch tăng gấp đôi, thị trường trái phiếu tăng trưởng mạnh mẽ 23-25%.