18:52 09/03/2017

Vì sao nhà đầu tư ngoại ồ ạt mua cổ phần doanh nghiệp Việt?

Khánh Linh

Giới đầu tư nước ngoài đang có xu hướng góp vốn, mua cổ phần ngày một nhiều vào các doanh nghiệp Việt Nam

Việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp 
vốn, mua cổ phần đã xuất hiện từ lâu nhưng phải đến năm 2015 mới trở nên
 sôi động hơn.
Việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần đã xuất hiện từ lâu nhưng phải đến năm 2015 mới trở nên sôi động hơn.
Số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong hai tháng đầu năm là 654 với tổng giá trị vốn góp là 619 triệu USD, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghệ chế biến chế tạo, 220 lượt góp vốn tổng vốn góp 292 triệu USD. Tiếp đến là các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy với 197 lượt góp vốn trị giá 124 triệu USD. Kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với 14 lượt góp vốn trị giá gần 60 triệu USD.

Tp.HCM là địa phương có nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần nhất với số lượt mua 322, tổng vốn góp 313 triệu USD. Tiếp đến là Hà Nội, Bình Dương, Nghệ An, Quảng Bình…

Thực tế, việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần đã xuất hiện từ lâu nhưng phải đến năm 2015 mới trở nên sôi động hơn. Xu hướng mua bán sáp nhập cũng sẽ trở thành cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác theo xu hướng toàn cầu hóa.

Cụ thể, tính từ ngày 1/7/2015 đến ngày 20/7/2016, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị đạt 2,9 tỷ USD.

Riêng trong năm 2016, cả nước có tới 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD.

Đây cũng chính là thời điểm Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới, nhà đầu tư nước ngoài không cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam, mà chỉ cần làm các thủ tục đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước, tùy từng trường hợp góp vốn, mua cổ phần ở doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài hay không.

Theo đánh giá của giới đầu tư, thủ tục đơn giản, thuận tiện chính là điều kiện khiến ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần. Một giải pháp đầu tư đơn giản mà hiệu quả.

Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, không nên quá lạc quan với con số trên vì cả năm không đảm bảo dòng vốn tiếp tục ồ ạt chảy vào. Thực tế, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhiều biến động khó lường trong khi chính sách kinh tế của Chính phủ Mỹ - đầu tàu thế giới, cũng chưa rõ nét. Nếu không thuận lợi cho nhà đầu tư họ sẽ rút tiền khỏi thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, trở về thị trường truyền thống.

Cũng theo ông Hiếu, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần nhưng chỉ đóng góp một phần. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn vào triển vọng nền kinh tế Việt Nam có tiếp tục tăng trưởng ổn định, dòng tiền đổ vào có an toàn hay không.

“Thủ tục cũng tạo điều kiện nhưng không phải là nguyên nhân chính để đầu tư tăng hay giảm”, ông Hiếu nói.

Do vậy, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào, Việt Nam cẩn phải nâng điểm tín nhiệm quốc gia của mình trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, 3 công ty tín nhiệm hàng đầu thế giới gồm Standard & Poor's, Moody's và Fitch đều xếp hạng Việt Nam rủi ro, chưa khuyến khích đầu tư và còn mang tính đầu cơ.