20:56 20/08/2017

Xử phạt trên thị trường chứng khoán đạt gần 9 tỷ đồng

Hà Nghi

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ đầu năm đến nay đã ban hành hơn 100 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán xử phạt mức thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 600 triệu đồng với tổ chức và cá nhân trên thị trường chứng khoán.<br>
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán xử phạt mức thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 600 triệu đồng với tổ chức và cá nhân trên thị trường chứng khoán.<br>
Trường hợp có số tiền phạt lớn nhất gần 8 tháng đầu năm thuộc về một cá nhân thao túng cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai.

Theo thống kê của VnEconomy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ đầu năm đến nay đã ban hành hơn 100 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng, áp cho 80 tổ chức và 32 cá nhân.

Mức phạt thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 600 triệu đồng. Phần lớn các cá nhân bị phạt đều nắm giữ chức vụ lãnh đạo hoặc là cổ đông lớn của doanh nghiệp liên quan, tuy nhiên không đăng ký giao dịch hoặc không báo cáo kết quả giao dịch theo quy định.

Trong khi đó, đối với tổ chức, lỗi phổ biến là không công bố thông tin theo quy định, báo cáo sai hoặc chào bán cổ phần không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán.

Vụ xử phạt cao nhất cho hành vi làm giá cổ phiếu

Ngày 10/8, Ủy ban Chứng khoán xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Minh Phượng với lý do bà này từ 20/7/2015 - 1/4/2016 đã sử dụng 42 tài khoản chứng khoán để giao dịch cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phiếu Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu HNG.

Bà Trần Thị Minh Phượng bị phạt số tiền 600 triệu đồng. Đây là mức phạt lớn nhất được Ủy ban Chứng khoán ban hành kể từ đầu năm.

Chào bán cổ phiếu “chui”

Ngày 4/5, Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng bị phạt 435 triệu đồng - mức phạt cao nhất áp cho một tổ chức kể từ đầu năm. Trong đó phạt 85 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 36 tháng; ngoài ra phạt 350 triệu đồng do chào bán chứng khoán ra công chúng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán. Gang thép Cao Bằng đồng thời phải thu hồi chứng khoán đã chào bán và trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Hành vi chào bán chứng khoán mà không báo cáo cơ quan quản lý có mức phạt khá nặng. Song nhiều đơn vị vẫn vi phạm kể từ đầu năm.

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên ngày 17/8 đã bị phạt 300 triệu đồng cho lỗi tương tự (trên tổng số 385 triệu đồng tiền phạt).

Trước đó, Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 - VIMICO (Mã MC3) và Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một (Mã TDM) cũng bị phạt từ 300-350 triệu đồng với lỗi này.

Công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán dính án phạt

Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Vinawealth ngày 27/6 bị phạt 315 triệu đồng, trong đó phạt 175 triệu đồng do sử dụng vốn của khách hàng ủy thác để đầu tư trái quy định pháp luật và phạt 140 triệu đồng do công bố thông tin và báo cáo không đúng thời hạn quy định.

Từ đầu năm đến nay đã có 12 công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán bị phạt với tổng số tiền 1,91 tỷ đồng, trong đó có những cái tên đáng chú ý như Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Sài Gòn.

Đơn vị này bị phạt 155 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn là không đảm bảo cơ cấu nhân sự (không có nhân viên chuyên môn nghiệp vụ về luật).

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam bị phạt 200 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế cho vay; Đây cũng là mức phạt đối với Công ty Cổ phần chứng khoán Trí Việt và Công ty Cổ phần quản lý quỹ đầu tư Sao Vàng.

Trong khi đó Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Nam bị phạt 225 triệu đồng do vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ, cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định.

Loạt lãnh đạo doanh nghiệp bị xử phạt

Ngày 29/5, Ủy ban Chứng khoán có quyết định xử phạt 4 lãnh của Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (Mã NHP) với tổng số tiền 152,5 triệu đồng do không báo cáo trước khi giao dịch.

Công ty NHP sản xuất bao bì này niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ đầu năm 2015. Thị giá cổ phiếu NHP đã có thời điểm tăng lên hơn 20.000 đồng, tuy nhiên bất ngờ giảm mạnh vào cuối năm 2016, hiện chỉ còn 3.500 đồng.

Tương tự trường hợp của Công ty NHP, một loạt lãnh đạo của Công ty Cổ phầnTư vấn Thiết kế và Phát triển đô thị (Mã CDO) gồm thành viên hội đồng quản trị Nguyễn Anh Tú, thành viên hội đồng quản trị Vũ Thị Mai Anh và Kế toán trưởng Nguyễn Minh Quang bị phạt tổng cộng 43 triệu đồng do không giao dịch đúng thời gian và khối lượng đăng ký, không báo cáo về dự kiến giao dịch.

Các giao dịch này được thực hiện vào cuối năm 2016, trùng với thời điểm mã chứng khoán CDO bắt đầu chuỗi giảm sàn 34 phiên liên tiếp, “bốc hơi” gần 90% giá trị vốn hóa (giảm từ 35.000 đồng về 3.800 đồng hiện nay).

Không chỉ lãnh đạo, bản thân Công ty CDO cuối tháng 5 vừa qua cũng bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt 200 triệu đồng  do báo cáo không chính xác và không công bố thông tin theo quy định.