11:22 23/11/2018

Chuyển vụ việc dấu hiệu vi phạm sang cơ quan điều tra thông qua kiểm toán

Duyên Duyên

Tổng Kiểm toán nhà nước nghiêm cấm các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán giữ lại hoặc kiến nghị xử lý nội bộ; tuyệt đối không được có hành vi che dấu vi phạm pháp luật

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 4 vụ việc và cung cấp 103 báo cáo kiểm toán cho các cơ quan nhà nước.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 4 vụ việc và cung cấp 103 báo cáo kiểm toán cho các cơ quan nhà nước.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký và ban hành Công điện số 1696/CĐ-KTNN về việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra thông qua hoạt động kiểm toán.

Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trước yêu cầu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, hệ thống chính trị và pháp luật hiện hành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán và phòng, chống tham nhũng thì công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước vẫn còn hạn chế.

Cụ thể, số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển sang cơ quan điều tra còn ít; một số đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, kiểm toán viên chưa thực sự chủ động, thiếu kiên quyết trong việc đấu tranh, phát hiện và củng cố bằng chứng kiểm toán về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để chuyển cơ quan điều tra.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị về đạo đức nghề nghiệp, quy chế hoạt động, trách nhiệm công chức, Kiểm toán viên nhà nước về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; vai trò và trách nhiệm của kiểm toán nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.

Đồng thời, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Nghiêm cấm các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán giữ lại hoặc kiến nghị xử lý nội bộ. Tuyệt đối không được có hành vi che dấu vi phạm pháp luật.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán nhà nước nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý.

Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân cố tình né tránh, thiếu kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán.

Ngoài ra, kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nổi trội trong việc phát hiện, củng cố bằng chứng và nhanh chóng chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thông qua hoạt động kiểm toán để có hình thức khen thưởng đột xuất.

Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 4 vụ việc và cung cấp 103 báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, tòa án, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2018, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý 56.009 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ văn bản pháp luật 41 văn bản nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.