Cổ đông năng động, doanh nghiệp được nhờ
SCIC đang nỗ lực để giúp các doanh nghiệp phát triển và bảo toàn, phát huy hiệu quả đồng vốn Nhà nước
Lễ ký kết hợp tác chiến lược về xây dựng, phát triển sản phẩm mới giữa một bên là Vinamilk - doanh nghiệp đứng đầu về sản xuất sữa và DHG Pharma - doanh nghiệp đứng đầu về dược phẩm diễn ra hôm cuối tháng 3 vừa qua tại Tp.HCM, đã mở ra một xu hướng hợp tác mới không chỉ trong các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam mà còn trong cộng đồng các doanh nghiệp thuộc danh mục đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Câu chuyện hợp tác chiến lược giữa Vinamlik và DHG Pharma cũng cho thấy ngày càng rõ hơn vai trò kết nối của các cổ đông lớn - mà SCIC là một ví dụ.
Tăng cường hợp tác chiến lược
Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã chứng khoán: VNM-HOSE) và Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang - DHG Pharma (mã chứng khoán: DHG-HOSE) sẽ cùng hợp tác chiến lược về xây dựng, phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tạo ra các giá trị sống mới cho cộng đồng, hướng đến một cuộc sống khoẻ đẹp hơn.
Với những thế mạnh nền tảng của 2 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và dinh dưỡng hàng đầu của Việt Nam, Vinamilk và DHG Pharma sẽ có những phối hợp tích cực trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), Marketing, phân phối các dòng sản phẩm, thực phẩm chức năng…
Cụ thể hơn, DHG Pharma và Vinamilk sẽ cùng nhau xây dựng sản phẩm đồng thương hiệu mới hoặc phát triển từ các sản phẩm đã có, nhằm phục vụ cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng với nhiều đối tượng khác nhau; phối hợp về nguồn nguyên liệu để đưa vào phục vụ sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng, bổ sung và nâng cao sức khỏe; khai thác thế mạnh về nguồn lực phân phối đặc thù của mỗi bên, để giúp người dân dể dàng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ.
Hơn 10 năm nay, Vinamilk và DHG Pharma vốn không chỉ là hai doanh nghiệp tiêu biểu trong danh mục của SCIC mà còn là hai khoản đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho Nhà nước mà SCIC đại diện.
"Vinamilk và DHG Pharma đều là các doanh nghiệp đầu ngành, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm có tác động trực tiếp đến sức khoẻ con người. Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa hai doanh nghiệp lớn là kết quả của cả một quá trình nỗ lực của các bên để đạt được mục tiêu cao nhất là phát triển những sản phẩm tiên tiến, chất lượng, có lợi cho người tiêu dùng", ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, nhấn mạnh.
Hành trình kết nối
Nhiều năm nay, với vai trò cổ đông lớn và hiện đang sở hữu 36% vốn điều lệ Vinamilk, SCIC đã thông qua người đại diện vốn tham gia tích cực vào hoạt động quản trị doanh nghiệp tại Vinamilk.
Không chỉ tham gia phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, quyết định thay đổi mô hình quản trị kiểm soát mới (Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị), tham gia rà soát, sửa đổi Điều lệ Công ty tương ứng với mô hình mới và phù hợp với các quy định mới ban hành, mà đại diện của SCIC còn có ý kiến đóng góp đối với những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng quản trị, đặc biệt là các dự án đầu tư quan trọng theo Chiến lược 5 năm của Vinamilk.
Cán bộ của SCIC là thành viên các Tiểu ban của Hội đồng Quản trị đã nghiên cứu và tham gia ý kiến đối với các nội dung thường nhật về quản trị, điều hành của VNM (các dự án đầu tư góp vốn, mở rộng nhà máy, dây chuyền sản xuất…).
Tương tự, tại DHG Pharma, SCIC thực hiện vai trò của cổ đông lớn ở một số công việc quản trị quan trọng như: phối hợp thống nhất giữa các cổ đông lớn trong việc ra quyết định đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền đại hội cổ đông, kết nối doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước quản lý các hoạt động của DHG Pharma nhằm thúc đẩy hiệu quả và thời gian giải quyết; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác thực hiện chủ trương nới room, chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động; kiện toàn nhân sự Lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp gồm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc DHG Pharma và Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất; đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện củng cố toàn bộ các mảng hoạt động của DHG-Pharma như quản trị điều hành về sản xuất, tài chính, thuế,…
Thực tế, trong các doanh nghiệp cổ phần, đặc biệt là doanh nghiệp cổ phần hóa hoạt động theo mô hình công ty cổ phần thì cổ đông lớn hay cổ đông nhỏ đều rất quan trọng, bởi giúp cho doanh nghiệp có nhiều ý tưởng trong hoạt động và phát triển doanh nghiệp. Vai trò của các cổ đông lớn là rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hạng mục đầu tư.
"Tôi nghĩ SCIC - cổ đông lớn tại Vinamilk đang làm tốt vai trò đó", Tổng giám đốc Mai Kiều Liên nhận xét.
Cũng theo bà Liên, trong câu chuyện hợp tác chiến lược giữa Vinamilk và DHG Pharma, có sự đóng góp của SCIC với vai trò kết nối. Mặc dù các doanh nghiệp đã hợp tác với nhau từ rất lâu, nhưng mà lần này, SCIC muốn công khai và chính thức hợp tác chiến lược.
Đại diện DHG Pharma, ông Đoàn Đình Duy Khương, quyền Tổng giám đốc đánh giá cao vai trò của SCIC trong hợp tác chiến lược với Vinamilk.
Trong định hướng chiến lược của mình, Dược Hậu Giang luôn tìm kiếm và chủ động hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp, chuyên gia phù hợp để có thể mang đến những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất.
Biết đến Vinamilk, gặp gỡ trong các diễn đàn chuyên ngành, hai bên cũng đã có những trao đổi mang tính gợi mở về sự hợp tác và tận dụng thế mạnh của nhau.
"Với vai trò là nhà quản lý, có thành viên nằm trong hội đồng quản trị của cả hai doanh nghiệp, SCIC hiểu rất rõ về tầm nhìn, thế mạnh và cả chiến lược phát triển dài hạn của cả DHG Pharma và Vinamilk.
Chính những tác động tích cực và hỗ trợ từ SCIC đã giúp cho việc tiến tới hợp tác diễn ra nhanh và hiệu quả đến vậy. Có thể nói, không chỉ đơn thuần là cầu nối hợp tác, SCIC còn là cầu nối niềm tin cho cả DHG Pharma và Vinamilk", ông Khương nhận xét.
Cổ đông nhà nước linh hoạt
Hơn 10 năm nay, SCIC được biết đến như là một nhà đầu tư, cổ đông có nhiều kinh nghiệm nhất trong công tác chuẩn bị và tham gia các kỳ đại hội đồng cổ đông tại các công ty cổ phần.
Tại nhiều doanh nghiệp lớn như: Vinamik, Traphaco, Vinaconex, FPT Telecom…, dấu ấn của SCIC luôn được quan tâm đặc biệt.
"Tham gia hiệu quả đại hội đồng cổ đông vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi quan trọng và chính đáng của mỗi một cổ đông. Đặc biệt với cổ đông nhà nước, thách thức của SCIC còn lớn hơn nhiều", lãnh đạo SCIC cho biết.
Bởi ngoài mục tiêu bảo toàn vốn đầu tư và gia tăng lợi ích cổ đông thông qua mức thu cổ tức hàng năm, thì SCIC còn phải đảm bảo tính tuân thủ và hiệu quả trong quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh và giá trị doanh nghiệp kể cả việc cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội, thiện nguyện của doanh nghiệp cũng là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng.
Với quan điểm rõ ràng đó, ý kiến SCIC tham gia Đại hội đồng cổ đông tại doanh nghiệp không dừng lại việc kiến nghị, chất vấn, phản biện mà cần phải tiến đến sự tư vấn, hỗ trợ để doanh nghiệp có được các định hướng, mục tiêu, giải pháp phù hợp tình hình thị trường, điều kiện doanh nghiệp trong từng thời kỳ có tính khả thi.
Để làm được điều này, bên cạnh việc không ngừng hoàn thiện thể chế quản trị nội bộ phù hợp với yêu cầu quản trị và thay đổi của pháp luật, SCIC vẫn đang tiếp tục quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kể cả người đại diện về các nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết nhằm đạt được mục tiêu quan trọng và xuyên suốt.
Khảo sát những doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong đó Nhà nước vẫn còn là cổ đông, đa số cho biết họ hài lòng về SCIC hơn so với trước đây khi người đại diện vốn nhà nước là các cơ quan quản lý trong bộ máy hành chính.
So sánh giữa một bên là tư duy quản lý doanh nghiệp ở các bộ chủ quản là an toàn, bảo toàn được vốn nhà nước, với một bên là tư duy quản lý ở SCIC là hiệu quả, doanh nghiệp ủng hộ cơ chế hiệu quả hơn.
Theo một số chuyên gia, cơ chế cổ đông là một tổ chức kinh tế như SCIC tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong điều hành, nhất là trong việc soát xét các báo cáo tài chính, đưa các chuẩn mực quản trị tiên tiến vào doanh nghiệp và khả năng sẵn sàng tham gia tăng vốn khi doanh nghiệp có phương án tăng vốn hiệu quả.
Tuy nhiên, tiếc là trên thực tế không phải doanh nghiệp cổ phần hóa nào thuộc đối tượng chuyển giao phần vốn nhà nước về SCIC cũng được chuyển giao theo đúng quy định và lộ trình.