21:37 19/04/2018

Cổ phiếu TPBank vượt hai áp lực chào sàn HOSE

Thanh Hương

Cổ phiếu TPB của TPBank chào sàn HOSE trong một phiên thị trường rực lửa

Với mức giá xác định qua phiên giao dịch đầu tiên, giá trị vốn hóa của TPB đạt quy mô 18.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm 25 mã có mức vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE.
Với mức giá xác định qua phiên giao dịch đầu tiên, giá trị vốn hóa của TPB đạt quy mô 18.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm 25 mã có mức vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE.

Ngày 19/4, 555 triệu cổ phiếu TPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) niêm yết và chính thức đi vào giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE).

Với mức giá tham chiếu 32.000 đồng/cổ phiếu, biên độ /-20% trong phiên giao dịch đầu tiên, giá TPB tiềm ẩn khoảng biến động lớn. Nhưng, trước hết, có hai áp lực định hình trong phiên chào sàn này.

Thứ nhất, trong năm 2017, cổ phiếu TPB đã là một hiện tượng tăng giá và giao dịch khá sôi động trên thị trường tự do (OCT), với nhiều giao dịch ghi nhận thành công cuối năm qua từ 27.000 - 28.000 đồng/cổ phiếu. Với việc niêm yết chính thức, áp lực chốt lời từ hoạt động gom mua tích tụ trên OTC trước đó là rõ ràng.

Đáng chú ý, đây là cổ phiếu của một ngân hàng thương mại từng có mức giá chỉ khoảng 5.000 - 7.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn tái cơ cấu từ 2012 - 2015. Đến 8/2016 được đánh dấu với mức giá tham khảo 13.800 đồng/cổ phiếu, qua thương vụ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đầu tư. Và đến tháng 12/2017 là mức khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu, trong thương vụ quỹ đầu tư của Hà Lan PYN Elite Fund rót 40 triệu USD.

Thứ hai, trước thềm phiên chào sàn của TPB, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đợt điều chỉnh kéo dài sau khi chỉ số VN-Index tạo đỉnh lịch sử trên 1.200 điểm, đặc biệt ở quy mô giao dịch suy giảm mạnh với quan ngại về dòng tiền yếu đi.

Đặt trong nhóm ngành, áp lực đối với TPB càng lớn hơn khi giá cổ phiếu của hầu hết các ngân hàng thương mại trên sàn liên tục điều chỉnh mạnh trong hơn một tuần trở lại đây; mức độ điều chỉnh phổ biến từ 10-15%.

Áp lực thứ hai đối với TPBank trở nên hiếm có (xét theo điều kiện thị trường trong phiên chào sàn của các cổ phiếu ngân hàng từ trước đến nay), và thành thử thách lớn trong một ngày giao dịch rực lửa.

Phiên 19/4, thị trường chứng kiến đà bán tháo mạnh, "hoảng loạn" là từ được nhiều bản tin giao dịch dùng đến để phản ánh. VN-Index đóng cửa giảm tới 3,86%, chỉ còn 1094,63 điểm. Vn30-Index giảm 4,45%, HNX-Index giảm 1,3%, HNX30 giảm 1,26%.

Riêng dòng cổ phiếu ngân hàng, mức giảm cực mạnh ghi nhận ở nhiều mã, xuyên thủng đáy ngắn hạn 4 phiên trước. VCB đóng cửa giảm 5,86%, CTG giảm 5,81%, MBB giảm 5,2%, BID giảm 5,47%, STB giảm 3,23%, HDB giảm 5,02%, VPB giảm 4,7%...

Trước hai áp lực trên, giao dịch cổ phiếu TPBank diễn ra sôi động, quãng biến động giá khá rộng và thanh khoản lớn.

Ngay từ đợt khớp lệnh mở cửa ATO, hơn 1,9 triệu cổ phiếu TPB được trao tay với mức giá 35.000 đồng, cũng là mức giá cao nhất trong phiên. Và trong một phiên thị trường chung rực lửa, giá TPB có thời điểm lùi về thấp nhất ở 31.800 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với tham chiếu.

Phần lớn thời gian giao dịch giá TPB vượt trên tham chiếu và đi ngược diễn biến chung của thị trường cũng như cổ phiếu ngành. Mức giá đóng cửa ở 32.450 đồng/cổ phiếu, tăng 1,41%; thanh khoản ở mức cao với khối lượng đạt gần 7,3 triệu đơn vị chuyển nhượng.

Với mức giá xác định qua phiên giao dịch đầu tiên, giá trị vốn hóa của TPB đạt quy mô 18.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm 25 mã có mức vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE.

Phát biểu tại lễ chào sàn sáng nay, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank nói rằng: "Nếu cách đây 5 năm khó ai có thể tin tưởng nghĩ rằng TPBank có được thành công như ngày hôm nay. Từ một ngân hàng mất một nửa vốn điều lệ vào năm 2012, với chỉ 500 cán bộ nhân viên, 10 chi nhánh, nợ xấu trên 6%. Sau 5 năm tái cơ cấu, TPBank đã có tổng tài sản gấp 10 lần trước tái cơ cấu, đạt 130 nghìn tỷ đồng; số lượng nhân viên cũng gâp 10 lần. Lợi nhuận năm 2017 trên 1.200 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2012".