17:19 10/09/2018

Cổ phiếu Trung Quốc bị bán tháo, chứng khoán châu Á chạm đáy 14 tháng

Bình Minh

Các nhà đầu tư tại khu vực châu Á đang “đứng ngồi không yên” vì tuyên bố hôm thứ Sáu tuần trước của ông Trump

Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu sự giảm điểm của chứng khoán châu Á trong phiên đầu tuần - Ảnh: Getty/CNBC.
Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu sự giảm điểm của chứng khoán châu Á trong phiên đầu tuần - Ảnh: Getty/CNBC.

Phiên bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày thứ Hai đã kéo thị trường chứng khoán châu Á xuống mức thấp nhất 14 tháng, khi giới đầu tư lo ngại về cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo tin từ Reuters, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,9% trong phiên đầu tuần, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017. Tuần trước, chỉ số này đã giảm 3,5%, mức giảm tuần mạnh nhất kể từ giữa tháng 3.

Các nhà đầu tư tại khu vực châu Á đang "đứng ngồi không yên" vì tuyên bố hôm thứ Sáu tuần trước của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ có thể áp thuế quan bổ sung lên thêm 267 tỷ hàng hóa Trung Quốc nữa, sau kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sắp được triển khai. Nếu lời cảnh báo này trở thành sự thật, Mỹ sẽ áp thuế lên gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này hàng năm.

Về phần mình, Bắc Kinh đã thề sẽ trả đũa nếu Washington triển khai thêm biện pháp áp thuế nào mới lên hàng háo Trung Quốc. Tuy nhiên, do Trung Quốc không nhập khẩu nhiều hàng hóa Mỹ như Mỹ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, nên Bắc Kinh khó có thể đáp trả tương xứng về số lượng. Điều này đặt ra khả năng Trung Quốc có thể sử dụng đến các biện pháp trả đũa khác như làm suy yếu đồng Nhân dân tệ hoặc có hành động nhằm vào các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc.

Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu sự giảm điểm của chứng khoán châu Á trong phiên đầu tuần. Trong đó, nhóm cổ phiếu blue-chip của thị trường Trung Quốc giảm 1,4%, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải sụt 1,2%. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông mất 1,3%.

Dù giảm điểm vào đầu phiên, chỉ số Nikkei của chứng khoán Nhật Bản chốt phiên với mức tăng 0,3%, sau khi Chính phủ nước này công bố dữ liệu điều chỉnh cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng 3% trong quý 2, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.

Cổ phiếu Trung Quốc bị bán tháo, chứng khoán châu Á chạm đáy 14 tháng - Ảnh 1.

Diễn biến các thị trường chứng khoán châu Á từ đầu năm đến nay (màu vàng) và từ đầu tháng đến nay (màu xanh). Đơn vị: % - Nguồn: Reuters.

Sau khi đã thách thức một loạt đối tác thương mại lớn gồm Trung Quốc, Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Trump gần đây đã bày tỏ sự không hài lòng về thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Nhật Bản. Có nhiều ý kiến lo ngại rằng Nhật Bản sẽ là mục tiêu chiến tranh thương mại tiếp theo của ông Trump.

Ngoài vấn đề chiến tranh thương mại, các nhà đầu tư còn đang lo ngại về nguy cơ rủi ro lây lan từ một số thị trường mới nổi như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia có đồng tiền bị bán tháo thời gian gần đây.

Các nhà phân tích của ngân hàng Nhật Bản Nomura đã có một báo cáo dài cho rằng một số nền kinh tế ở khu vực châu Á với mức nợ cao của khu vực tư nhân rất dễ bị tổn thương trước rủi ro lây lan.

Đồng Rupee của Ấn Độ chạm mức thấp kỷ lục 72,5 Rupee đổi 1 Euro, trong khi đồng Rupiah Indonesia - đồng tiền giảm giá mạnh thứ nhì ở châu Á trong năm nay - giảm 0,4%, xuống gần mức thấp nhất mọi thời đại.

"Với những tuyên bố mới nhất từ ông Trump, các nhà đầu đang lo đồng tiền của các quốc gia mới nổi sẽ giảm giá sâu hơn, khi mà cuộc chiến tranh thương mại leo thang lên một nấc mới", nhà phân tích Nick Twidale thuộc Rakuten Securities ở Sydney nhận định với Reuters.

Một nhân tố khác đang phủ bóng lên thị trường tài chính toàn cầu là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất, sau khi dữ liệu công bố vào hôm thứ Sáu cho thấy tăng trưởng việc làm ở Mỹ được đẩy nhanh trong tháng 8 và tiền lương của người lao động nước này đạt mức tăng mạnh nhất trong hơn 9 năm.

Giới phân tích hiện gần như chắc chắn rằng FED sẽ nâng lãi suất trong tháng 9, lần nâng lãi suất thứ ba của ngân hàng trung ương này trong năm 2018.

Dữ liệu việc làm khả quan đã thúc đồng USD tăng giá. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh có lúc đạt mức 95,43 điểm trong phiên ngày thứ Hai tại châu Á, giữ vững thành quả tăng đạt được trong phiên ngày thứ Sáu tại New York. Từ đầu năm đến nay, Dollar Index đã tăng 3,5%.

Theo Reuters, giới đầu tư đang hướng sự chú ý tới dữ liệu lạm phát tháng 8 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Năm. Mức lạm phát tăng mạnh có thể khiến đồng USD tiếp tục tăng giá cao hơn.