Cổ phiếu Viện Dệt May lên sàn UpCom với giá 20.600 đồng/cổ phiếu
Viện Dệp may có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, thuộc quản lý của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, sau cổ phần hoá, nhà nước sẽ không nắm cổ phần nào tại Viện
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận cho Viện Dệt May được đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UpCOM với mã chứng khoán VDM.
Theo đó, ngày 26/4 tới, 1.871.000 cổ phiếu VDM sẽ chính thức niêm yết trên UpCom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 20.600 đồng/cổ phiếu.
Được biết, Viện Dệp may có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, thuộc sở hữu 100% của nhà nước, thuộc quản lý của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Theo phương án cổ phần hoá, Viện Dệt may sẽ IPO và chào bán 45,26% cổ phần, bán cho nhà đầu tư chiến lược cũng với tỷ lệ 45,26%. Số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động chiếm 9,48%.
Như vậy, sau cổ phần hoá, nhà nước sẽ không nắm cổ phần nào tại Viện Dệt may.
Tại phiên IPO vừa qua, Viện Dệt May đưa 2.263.000 cổ phần Viện Dệt May ra bán đấu giá lần đầu ra công chúng diễn ra ngày 12/3/2018 với giá khởi điểm 12.583 đồng/cổ phần. Có đến 21 nhà đầu tư - trong đó có 4 tổ chức và 17 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua hơn 14,33 triệu cổ phần, gấp hơn 6 lần lượng cổ phần mang ra chào bán.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng có 1.871.000 cổ phần được bán ra (tương ứng số cổ phần đăng ký giao dịch lần này) do nhà đầu tư từ chối mua 392.000 cổ phần.
Đối với số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động, chỉ 256.300 cổ phần được án với giá bán 17.100 đồng/cổ phần.
Đối với số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, hiện chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm là Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Viện Dệt may hiện đang sở hữu hai khu đất gồm 2.851m2 tại 478 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đây chính là trụ sở văn phòng làm việc của Viện và khu đất 5.311m2 tại ngõ 454/24 phố Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Khu đất này đang được sử dụng làm văn phòng, trung tâm nghiên cứu, đào tạo và xưởng thử nghiệm.
Tại Tp. HCM, Viện Dệt may có khu đất 2.219m2 trên phố Trần Hưng Đạo, quận 1, Tp. HCM được sử dụng làm cơ sở nghiên cứu, đào tạo, xưởng thực nghiệm, giới thiệu sản phẩm. Hiện Viện Dệt may vẫn đang hoàn thiện hồ sơ thuê đất dài hạn sau khi chuyển thành công ty cổ phần.
Sau cổ phần hoá, Viện Dệt may lên kế hoạch doanh thu đạt 49 tỷ đồng năm 2018, 55 tỷ năm 2019 và 61 tỷ đồng năm 2020. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 dự tính của Viện Dệt may chỉ 47 triệu đồng năm 2018, tăng lên 187 triệu 2019 và 891 triệu đồng năm 2022.