15:11 07/09/2019

Cố vấn của ông Trump: “Thương chiến có thể kéo dài nhiều năm”

An Huy

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cảnh báo rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung có thể phải mất nhiều năm để giải quyết

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Larry Kudlow - Ảnh: Reuters.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Larry Kudlow - Ảnh: Reuters.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 6/9 nói Mỹ muốn sớm đạt kết quả từ đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong tháng 10 tới, nhưng cảnh báo rằng xung đột thương mại giữa hai nước có thể phải mất nhiều năm để giải quyết.

Theo tin từ Reuter, phát biểu trước báo giới ở Nhà Trắng, ông Kudlow nói mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán về các vấn đề thương mại và sở hữu trí tuệ trong suốt 18 tháng qua, đó chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi nếu xét đến độ lớn của vấn đề và cuộc đàm phán có thể kéo dài hơn nhiều.

"Với một thỏa thuận ở quy mô và phạm vi như thế này và có tầm quan trọng toàn cầu như thế này, tôi không cho 18 tháng là một khoảng thời gian quá dài", ông Kudlow nói.

"Những lợi ích liên quan là rất lớn, chúng tôi cần giải quyết vấn đề thật đúng đắn, và cho dù việc này có mất đến cả một thập kỷ, thì cũng hãy chấp nhận", ông Kudlow phát biểu.

Vị cố vấn từ chối dự báo kết quả của vòng đàm phán cấp cao dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10, và cũng không đưa ra một mốc thời gian cụ thể nào mà ông kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh.

Các cuộc gặp cấp cao giữa các nhà đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã tạm dừng kể từ sau vòng đàm phán thứ 12 diễn ra vào cuối tháng 7. Hôm thứ Năm tuần này, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã có cuộc điện đàm nhất trí gặp trực tiếp vào tháng 10.

Để chuẩn bị cho vòng đàm phán này, các quan chức cấp thứ trưởng hai nước sẽ có một cuộc gặp vào giữa tháng 9.

Thương chiến Mỹ-Trung leo thang mạnh từ tháng 5, sau khi đàm phán đổ vỡ vì Washington cho rằng Bắc Kinh rút lại cam kết trước đó về điều chỉnh luật để tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ và xóa bỏ tình trạng ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc, cũng như cải thiện quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp Mỹ.

Kể từ đó, ông Trump đã mạnh tay áp thuế lên thêm hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đến nay, chỉ còn khoảng 180 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hàng năm là chưa bị ông Trump áp thuế quan trừng phạt. Theo kế hoạch, từ ngày 15/12, số hàng hóa này cũng sẽ bị áp thuế, đồng nghĩa với Mỹ áp thuế hầu như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg ngày 6/9, ông Kudlow nói ông không thể nói trước liệu các cuộc gặp trong tháng 9 và tháng 10 có dẫn tới việc Mỹ hoãn tăng thuế quan bổ sung từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1/10 hay không.

"Chúng tôi muốn quay lại với những gì đã đạt được trong đàm phán ở thời điểm tháng 5, nhưng tôi không biết điều đó là có thể hay không. Tôi không muốn dự báo bất kỳ một kết quả nào. Đây là một việc khó", ông Kudlow nói với báo giới tại Nhà Trắng.

Trao đổi với Fox Business Network, ông Kudlow nói các cuộc thảo luận trong tháng 9 và tháng 10 sẽ bao gồm tất cả các vấn đề trong mâu thuẫn thương mại giữa hai nước.

"Mọi thứ sẽ được đặt hết lên bàn đàm phán… đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, tấn công mạng, công nghệ đám mây, dịch vụ tài chính, mua hàng hóa nông sản, hàng hóa nông nghiệp, muua năng lượng, hàng rào thuế quan và phi thuế quan", ông Kudlow nói.

Ông Kudlow cho biết, dù không đặt ra điều kiện nào cho đàm phán với Trung Quốc, chính quyền ông Trump muốn "nhìn thấy kết quả trong ngắn hạn".

"Nếu không thấy kết quả, chúng tôi sẽ có thêm hành động", ông Kudlow tuyên bố. "Nói cách khác, nếu chúng tôi thấy có kết quả từ những cuộc gặp sắp tới, thì mọi việc sẽ có tiến triển".

Trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter ngày 6/9, ông Trump nói kinh tế Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi thuế quan Mỹ, nhưng cho biết các cuộc thảo luận thương mại giữa hai nước vẫn đang diễn ra tích cực.

"Trung Quốc đang lĩnh hậu quả của thuế quan", ông viết. "Hàng tỷ USD đang chảy về phía Mỹ… Trung Quốc đáng trải qua năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Đàm phán vẫn đang diễn ra, tốt cho tất cả!".