16:50 15/05/2019

Cung cấp dịch vụ công: Nhà nước "lái đò" thay vì "chèo đò"

Hà Vũ

Để tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công không có nghĩa là Nhà nước không làm gì, không còn vai trò gì

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong tiến trình đổi mới là Nhà nước chỉ là những gì mà tư nhân không làm được hoặc không muốn làm
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong tiến trình đổi mới là Nhà nước chỉ là những gì mà tư nhân không làm được hoặc không muốn làm

Để tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công không có nghĩa là Nhà nước không làm gì, không còn vai trò gì, vai trò của Nhà nước thay vì là "người chèo đò" thì thành "người lái đò", theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công là hội thảo được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)  tổ chức sáng 15/5.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong tiến trình đổi mới là Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm được hoặc không muốn làm. Quá trình đổi mới 30 năm qua đã cho thấy, việc mở cửa cho tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho xã hội mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực.

Sự tham gia của tư nhân xuất hiện trong rất nhiều các lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả những lĩnh vực vốn được xem là "sân chơi" riêng của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp trước nay như sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, hàng không, điện lực, y tế, giáo dục, thể thao, điện ảnh, công chứng, chứng nhận sự phù hợp…

Tuy vậy, theo Chủ tịch VCCI thì còn rất nhiều dịch vụ công đang do các cơ quan nhà nước thực hiện trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước; có nguy cơ gây ra tình trạng không minh bạch (như vừa cấp phép vừa thẩm định năng lực…). Nhiều quy định của luật bị làm biến dạng khi thực hiện, nhiều dịch vụ có tính "đăng ký", "thông báo" nhưng trên thực tế biến thành "xin-cho". 

Các điều kiện cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ban hành và cũng chính các cơ quan nhà nước các cấp trực tiếp thực hiện. Việc kiểm tra tính tuân thủ các điều kiện dịch vụ công cũng do chính cơ quan nhà nước thực hiện.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh một số lợi ích khi phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công, đặc biệt là "thoái sức" của bộ máy nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi. Bộ máy nhà nước tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn nhiều lĩnh vực tại Việt Nam thời gian qua cho thấy: để tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công không có nghĩa là Nhà nước không làm gì, không còn vai trò gì. Nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương sắp tới không phải là tự mình làm dịch vụ nữa, không tự mình "vừa đá bóng vừa thổi còi" như trong thời gian qua nữa mà phải tập trung vào việc xây dựng thể chế để thị trường có thể vận hành hiệu quả, ông Lộc nhấn mạnh.

Thông tin từ nay đến 2020 mỗi năm Việt Nam cần 26 tỷ USD cho các dự án hạ tầng, ông Michael Green, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng cần suy nghĩ lại cách thức huy động nguồn lực đầu tư công.

Và điều quan trọng, theo vị này là trong mọi dự án PPP, người dân luôn đóng vai trò trọng tâm.

 "Chúng tôi chờ đợi một khuôn khổ pháp lý PPP hiệu quả để phát huy tính sáng tạo của khu vực tư nhân và thu hút nguồn lực vào phát triển đất nước với trọng tâm phục vụ người dân Việt Nam", ông Micheal Greene nói.

Từ câu chuyện bóng đá, hàng không, hạ tầng đường bộ, đường sắt, kiểm tra chuyên ngành, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã chỉ ra nhiều hiệu ứng tích cực khi doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, tất nhiên ở một số lĩnh vực có những trục trặc (BOT hạ tầng giao thông).

Một số băn khoăn mà ông Tuấn đặt ra khi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, là liệu có biến độc quyền nhà nước thành độc quyền tư nhân, làm thế nào để đảm bảo chất lượng dịch vụ, chống gian lận, lừa đảo thế nào, chống tham nhũng, sân sau ra sao?

Hồi đáp những băn khoăn này, một số doanh nhân tham gia thảo luận tại hội thảo cho rằng hiện nay doanh nghiệp rất lo ngại tính ổn định của pháp luật. Sự bất định của pháp luật có thể dẫn đến doanh nghiệp mất nghề chỉ sau một đêm.

Xây dựng pháp luật phải dựa trên lòng tin, đừng lo hộ, nghĩ hộ cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần chứng nhận và giám định Vinacert đề nghị.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội  bệnh viện tư nhân Việt Nam nhận xét, trong cung cấp dịch vụ công, nhà nước đang cạnh tranh quyết liệt không cân sức với tư nhân. Tư nhân lúc nào cũng khổ, phải chấp nhận luồn lách, tiêu cực và đây là yếu tố rất nguy nan cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đệ nhìn nhận.