08:34 05/04/2019

Cuộc đua thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo

Ngân Hà

NIC được kỳ vọng sẽ là từ khoá tiếp theo để từng bước hiện thực hoá "ước vọng" trở thành quốc gia thịnh vượng

Cần phải xây dựng thể chế, chính sách vượt trội nhằm đảm bảo cho sự vận hành của NIC, sự thành công của NIC trong tương lai.
Cần phải xây dựng thể chế, chính sách vượt trội nhằm đảm bảo cho sự vận hành của NIC, sự thành công của NIC trong tương lai.

Sau khi tăng năng suất trở thành từ khoá kinh tế của năm 2017, cách mạng công nghiệp 4.0 của năm 2018, thì Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đang được kỳ vọng sẽ là từ khoá tiếp theo để từng bước hiện thực hoá "ước vọng" trở thành quốc gia thịnh vượng.

Không thể xem nhẹ cách mạng công nghiệp 4.0

Vương cung thánh đường Sagrada Família (Barcelona) là hình ảnh mà những chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hay nhắc tới những ngày gần đây khi nói về sự "thần kỳ" của khoa học - công nghệ, của đổi mới sáng tạo và của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với nền kinh tế. Công trình kiến trúc này chính thức được khởi công xây dựng từ năm 1882; dự kiến sau khoảng 300 năm, tức năm 2182 sẽ hoàn thành. Nhưng đến năm 2014, với sự đột phá về khoa học, nhà thờ này dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2026 sau hơn một thế kỷ thi công.

"Một công trình xây dựng với công việc dự tính hoàn thành trong 168 năm, nay chỉ mất có 12 năm, nhanh hơn tới 14 lần, nhờ cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cơ bản lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất chuyển từ vật chất sang phi vật chất, từ nguyên liệu sang dữ liệu", ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.

Theo ông, công cụ lao động hiện giờ không phải là các nhà máy mà là các mô phỏng dữ liệu lớn. Hơn nữa, trái ngược với những lợi thế so sánh vốn có như tài nguyên hay lao động giá rẻ càng sử dụng càng cạn kiệt, thì nguồn dữ liệu thông tin lại vô tận. "Do đó, việc nắm giữ và sử dụng dữ liệu và thông tin hiệu quả sẽ đem lại sức mạnh to lớn trong phát triển và tăng trưởng", ông Cung nhấn mạnh.

Quan điểm này của ông Cung cũng tương tự như của Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Ông Schwab cho rằng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung không thể xem nhẹ tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến sự thay đổi của kinh tế, xã hội. Khác với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ, Cách mạng 4.0 không chỉ đơn thuần là sự thay đổi, phát triển của một công nghệ mà bao gồm nhiều công nghệ khác nhau như AI, IoT, Bigdata...

"Điều này không chỉ thay đổi phương thức kinh doanh, tạo ra mô hình kinh doanh mới mà còn tác động tới cả quá trình phát triển kinh tế", ông nói và khẳng định: "Nếu quốc gia nào bỏ lỡ chuyến tàu cách mạng công nghiệp 4.0, quốc gia đó sẽ bỏ lỡ sự phát triển thịnh vượng".

Cuộc đua thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo

Hành trình đi tới thịnh vượng không phải là ước vọng của duy nhất Việt Nam mà là của rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vì vậy, rất nhiều quốc gia đã có những chiến lược, kế hoạch, chính sách để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới để gia tăng năng lực cốt lõi quốc gia trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Trong số đó, rất nhiều quốc gia sử dụng các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy áp dụng những chiến lược kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. 

Đang có một cuộc "chạy đua" thành lập các trung tâm để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 giữa các nước trong khu vực; chẳng hạn như Trung Quốc nâng cấp khu Zhongguancun ở Bắc Kinh, thành lập một loạt trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo để thực hiện chiến lược Made in China 2025; Thái Lan mới đưa vào hoạt động True Digital Park vào năm 2018; Indonesia đưa vào hoạt động một trung tâm tại Yogyakarta từ năm 2016; hay Malaysia với công viên công nghệ Kuala Lumpur...

Vì thế, đổi mới sáng tạo giờ còn mang tính cạnh tranh quốc gia thay vì chỉ ở cấp độ doanh nghiệp. Do đó, để NIC được xây dựng theo mô hình là một trung tâm lớn, cạnh tranh, hấp dẫn nhất trong khu vực, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, NIC phải có sự khác biệt và đặc thù để tạo ra không chỉ một môi trường làm việc đủ hấp dẫn để thu hút các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu, cả người Việt Nam và nước ngoài đến đây làm việc mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm... đến Việt Nam.

"Vì thế, NIC không phải là một toà nhà hoành tráng mang tính vật lý với các phân khu chức năng", ông Dũng nói và cho rằng NIC sẽ đóng vai trò như một "bà đỡ" cho doanh nghiệp.

Thực tiễn khởi nghiệp của nhiều nước cho thấy, mô hình khởi nghiệp được chia làm 6 công đoạn, từ hình thành ý tưởng đến tập hợp cổ đông thành lập doanh nghiệp, nghiên cứu, gọi vốn thương mại hóa và cuối cùng là IPO. 

"Trong 6 khâu này thì khâu lập ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng đến thành lập doanh nghiệp là phân đoạn khó nhất vì có rất nhiều rủi ro, hầu như không ai muốn tham gia hỗ trợ để start-up hiện thức hoá được các ý tưởng", ông Dũng phân tích.

"Vì thế, NIC sẽ đứng ra để giải quyết bài toán khó khăn nhất trong công đoạn ban đầu này. Khi ý tưởng dẫn tới thành lập doanh nghiệp thành công và sản phẩm đã được thương mại hoá thì NIC coi như hoàn thành sứ mệnh, sẽ rút lui nhường chỗ cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển", Bộ trưởng chia sẻ.

Nhưng đó không phải là mục đích duy nhất mà NIC hướng tới. Bởi theo ông Cung, NIC là một hệ sinh thái gồm 6 thành phần (cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, trung tâm nghiên cứu/trường đại học, nhà đầu tư/quỹ mạo hiểm, công ty công nghệ lớn và các chương trình tăng tốc khởi nghiệp) kết nối với nhau tạo thành mạng lưới.

Trong đó, sự kết nối này phải hướng tới việc tạo dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo trên một vùng hay khu vực, trong các ngành nghề nhất định dựa trên lợi thế của khu vực và cùng được lựa chọn; hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp nhận và áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 cho các doanh nghiệp Việt Nam để từ đó nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trên phạm vi quốc gia; kết nối, hỗ trợ và hợp tác với các cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ hiện tại, tạo thành hệ thống đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước.

Dựa trên những mục tiêu này, 5 chương trình hành động chính sẽ được xây dựng nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, xác định hệ sinh thái đối tác phù hợp, xây dựng mạng lưới nhân tài người Việt và nước ngoài, xây dựng một tổ chức quản trị trình độ quốc tế và cuối cùng là cung cấp hạ tầng đẳng cấp, phù hợp với nhu cầu sống và làm việc.

Mô hình quản trị với "trái tim" dẫn đường

Để hoàn thành "sứ mệnh" và đưa NIC trở thành trung tâm của khu vực, một mô hình quản trị đặc biệt để thực hiện và quản lý NIC một cách hiệu quả và mang tính cạnh tranh đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. "Mô hình quản trị đặc biệt chính là "trái tim" để dẫn dắt NIC đi tới thành công", ông Cung nhấn mạnh.

Theo đó, NIC sẽ không dùng vốn ngân sách nhà nước, được xây dựng theo cơ chế là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn và được hoạt động theo cơ chế thị trường, linh hoạt; hội đồng cấp cao do Thủ tướng làm Chủ tịch danh dự; hội đồng điều hành với sự tham gia của các bộ ngành liên quan; có CEO chuyên nghiệp, chất lượng cao, được tự do điều hành trong khung khổ điều lệ và hợp đồng lao động; và có sự đóng góp về chuyên môn của mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo tính toán, chi phí xây dựng NIC có thể cần khoảng 74 triệu USD cho cả 3 giai đoạn xây dựng, và cần khoảng 5-6 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn vận hành ổn định. Mặc dù vậy, gọi vốn đầu tư vào xây dựng NIC không phải là câu chuyện khó khăn nhất. Bởi theo Bộ trưởng Dũng, ngay từ khi Đề án thành lập NIC mới được đưa ra lấy ý kiến dư luận, rất nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến dự án này. Chẳng hạn, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã cam kết đầu tư khoảng 30 triệu USD cho việc xây dựng NIC.

Vấn đề khó khăn, theo ông Cung, là "phải làm sao để "trái tim" của NIC phải đập được và phải đập khoẻ". Do đó, cần phải xây dựng thể chế, chính sách vượt trội nhằm đảm bảo cho sự vận hành của NIC, sự thành công của NIC trong tương lai.

Vì thế, song hành với mô hình quản trị đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Chính phủ thông qua những ưu đãi và thể chế, chính sách cho NIC theo hướng vượt trội, đảm bảo cạnh tranh quốc tế, không chỉ là về thuế, mà còn là các chính sách về đất đai, về gia nhập thị trường, về thương mại hóa các công nghệ, về visa cho các nhân tài làm việc cho trung tâm... và đặc biệt là phải thu hút các đối tác phù hợp cho NIC từ các tập đoàn công nghệ, các vườn ươm, nhà đầu tư, những startup nổi bật dựa trên một môi trường kinh doanh ưu việt.