17:58 16/03/2017

Chung tay chống thông tin xấu độc, bảo vệ thương hiệu Việt

Thủy Diệu

Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với các doanh nghiệp, thương hiệu lớn đang có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên mạng

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp ngày 16/3/2017.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp ngày 16/3/2017.</span>
"Các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo và các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo cần chung tay với Bộ để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu Việt trong hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng".

Đó là đề nghị của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tại buổi làm việc giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các doanh nghiệp, thương hiệu lớn đang có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên mạng và công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo, chiều 16/3/2017.

Đồng loạt dừng quảng cáo trên Youtube

Hàng chục nhãn hàng (doanh nghiệp) lớn tại buổi làm việc trên như Vinamilk, VinHome, Sungroup, Unilever Việt Nam, Ford,.. đều khẳng định ngay sau khi nhận được thông tin cảnh báo từ Bộ, các doanh nghiệp đã yêu cầu đại lý quảng cáo tạm dừng quảng cáo trên YouTube và sẽ tiếp tục dừng quảng cáo trên kênh này nếu Google và các đại lý quảng cáo không có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng vừa xảy ra.

Đại diện đến từ Vinamilk cho biết, sau khi nhận công văn từ Bộ, Vinamilk đã cho dừng tất cả các quảng cáo từ các đại lý đồng thời yêu cầu đại lý rà soát, kiểm tra và giải trình nguyên nhân tại sao như vậy. Ngoài ra công ty cũng yêu cầu các đại lý quảng cáo gửi công văn tới Google, Youtube xử lý và khắc phục, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.

Đến nay, Vinamilk cũng chưa có bất kỳ quảng cáo đối với các đơn vị vi phạm trên, đại diện hãng sữa này cho biết.

Đại diện Unilever Việt Nam cũng cho biết, công ty luôn tuân thủ quy định pháp luật, vì thế, khi phát hiện vi vụ việc, công ty đã có biện pháp ngay lập tức chấm dứt điều đang xảy ra. Đơn vị này bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng và các đối tác quảng cáo có biện pháp quản lý chặt chẽ, để có một môi trường quảng cáo lành mạnh nhất.

Trong khi đó, đại diện VinHome, cho biết, sau khi nhận được công văn từ Bộ công ty cũng yêu cầu các đối tác quảng cáo (agency) ngừng toàn bộ quảng cáo trên mạng xã hội, Youtube và khẳng định khi nào có giải pháp hữu hiệu, triệt để thì mới tiếp tục thực hiện quảng cáo.

Thậm chí, đại diện một nhãn hàng lớn cho biết, công ty đã lựa chọn rất kỹ nên những website để quảng cáo và gần như không có sai phạm xảy ra. Tuy nhiên, khi biết có nhãn của doanh nghiệp mình trên Youtube vi phạm đã không đợi văn bản của Bộ, của Cục chức năng mà yêu cho dừng ngay quảng cáo trên kênh này. Đại diện công ty Ford Việt Nam thì nói, sau khi dừng toàn bộ các quảng cáo trên Youtube còn yêu cầu đối tác tìm nguyên nhân, đồng thời công ty cũng giải trình với Bộ về sự việc việc và khẳng định luôn tuân thủ pháp luật.

Về phía các đại lý quảng cáo, nhiều đơn vị cho biết, hiện nay, khi ký hợp đồng với Google chạy các chương trình quảng cáo cho các nhãn hàng đối tác của họ trên YouTube, họ đã lựa chọn vị trí hiển thị quảng cáo qua việc lọc từ khóa, phân loại nhóm để ngăn chặn việc xuất hiện nội dung quảng cáo của khách hàng trong các video clip không phù hợp (ví dụ: lọc toàn bộ chủ đề về chính trị, video quay trực tiếp, trò chơi điện tử, video thảm kịch và xung đột vũ trang, sự kiện xã hội nhạy cảm, video có nội dung người lớn).

Tuy nhiên, phương pháp này không giải quyết triệt để tình trạng trên do có nhiều video clip xấu độc được người đăng tải xếp vào nhóm giải trí lành mạnh để “lách” thuật toán của Google. Các đại lý quảng cáo đều khẳng định, nếu không có sự hợp tác của Google trong việc thay đổi các thuật toán để lọc, kiểm duyệt thì sẽ không ngăn chặn được triệt để tình trạng vi phạm này.

Còn khoảng 8.000 clip xấu độc, chống đối Nhà nước

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết, thời gian gần đây, các thông tin thù hằn, bôi nhọ, xúc phạm và chống đối Nhà nước xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng. Các clip xấu độc này được sản xuất rất đơn giản, nhanh và sản xuất với quy mô công nghiệp. Chỉ cần lấy ảnh các nhà chính trị trên các báo chính thống rồi lắp ghép với các câu nói mang tính phản động, thù hằn… để tạo thành các clip xấu độc, phản động, chống phá và đưa lên mạng.

Theo ông Lâm, thống kê sơ bộ đến ngày hôm qua (15/3), có 15 kênh (tài khoản) cá nhân đưa lên mạng hơn 8.000 clip có nội dung phản động và có tới hơn 500 triệu lượt xem. Các kênh này có gần 1 triệu lượt đăng ký theo dõi thường xuyên và chắc chắn tăng nhanh theo từng ngày.

“Chúng tôi đã làm việc với Google và họ cũng thiện chí gỡ các clip xấu độc này, nhưng đến nay mới gỡ được 42 clip. Dù vậy họ chỉ chặn mà chưa hạ hẳn clip xuống vì hiện trong lãnh thổ Việt Nam thì không xem được nhưng ở nước ngoài thì vẫn xem bình thường”, ông Lâm nói và cho biết, sự phối hợp này mới chỉ là bước đầu nhưng chưa thực sự có hiệu quả. 

Hơn nữa, theo ông, việc Google gỡ từng clip một, nên, với số số hàng nghìn clip trên thì không biết bao giờ mới gỡ hết. 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo và các đại lý quảng cáo chưa kiểm soát tốt vị trí hiển thị quảng cáo sản phẩm, chưa chú trọng công tác hậu kiểm. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do, thứ nhất là dịch vụ quảng cáo của Google, YouTube đang áp dụng chế độ quảng cáo tự động bằng các thuật toán, do đó đã không kiểm soát được hết các trường hợp nằm ngoài thuật toán. 

Thứ hai Google, YouTube chia sẻ lợi ích kinh tế từ quảng cáo cho tổ chức, cá nhân sản xuất những video clip trên YouTube, trong đó có cả những video clip xấu độc. Do vậy đã vô tình gián tiếp khuyến khích các video clip xấu độc được đăng tải nhiều hơn trên YouTube. Tình trạng này, theo Bộ trưởng Tuấn, hiện không chỉ còn là mối lo riêng của ngành quảng cáo Việt Nam mà đã thực sự trở thành mối lo ngại chung của các doanh nghiệp quảng cáo ở nhiều nước trên thế giới.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, trong cuộc gặp gỡ mới đây với đại diện Google, ông đã đề nghị Google không thể một mặt lấy tiền của các doanh nghiệp Việt Nam (chi phí mà các doanh nghiệp Việt bỏ ra quảng cáo trên Google– PV), mặt khác vẫn để những clip độc hại, phản động chống chính phủ Việt Nam được đưa lên hệ thống.

Chính vì thế, theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo và các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo cần chung tay với Bộ để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu Việt trong hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng; ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các hạ tầng truyền thông tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; xây dựng môi trường Internet lành mạnh, an toàn cho mọi người sử dụng tại Việt Nam.

Đồng thời phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam khi tiến hành các hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng; và bảo vệ bản quyền nội dung thông tin trên mạng Intetnet.