Cựu chủ tịch "tội đồ" của Nissan đã rời Nhật
Theo tin từ các hãng truyền thông, Carlos Ghosn, người đang bị quản thúc tại Nhật để chờ xét xử với cáo buộc gian lận tài chính, đã rời khỏi nước này và bay tới Lebanon
Theo tin từ hãng truyền thông Pháp Les Echos, Carlos Ghosn, cựu chủ tịch bị bắt của hãng xe Nissan, đã bay tới Lebanon vào tối ngày 30/12. Trước đó, ông đang bị quản thúc tại Tokyo để chờ phiên toà xét xử với các cáo buộc gian lận tài chính.
Tờ báo này dẫn tin từ một nguồn thân cận và tin tức từ tờ L'Orient-Le Jour của Lebanon. Trong đó, thông tin về việc liệu Ghosn đã đạt một thoả thuận với các công tố viên để rời Nhật hay được thả tự do chưa được tiết lộ.
Tờ Financial Times cũng dẫn nguồn thân cận từ gia đình của Ghosn cho biết ông đã có mặt ở Lebanon. Hiện luật sư của Ghosn chưa đưa ra bình luận về thông tin này, nhưng một người thân cận với ông cho biết ông đã có mặt ở Beirut, Lebanon vào ngày thứ hai.
Hãng truyền thông NHK của Nhật cho biết đã liên lạc với đội ngũ pháp lý của Ghosn nhưng luật sư của ông nói rằng không biết liệu ông đã rời Nhật hay chưa và sẽ xác nhận lại nếu thông tin này là chính xác. Theo NHK, các công tố viên cũng nói rằng họ không biết việc Ghosn đã rời lãnh thổ Nhật và sẽ tìm cách xác nhận thông tin này.
Theo Reuters, người phát ngôn của phòng công tố Tokyo không đưa ra bình luận về thông tin này. Còn người phát ngôn của Nissan tại Tokyo từ chối đưa ra bình luận.
Hiện tại, chưa rõ bằng cách nào mà Ghosn, người có hộ chiếu Pháp và Lebanon, rời khỏi Nhật bằng cách nào, khi mà ông đang chịu quản thúc chặt chẽ bởi toà án.
Ghosn bị bắt tại Tokyo vào cuối năm 2018 sau khi Hiroto Saikawa, CEO của Nissan lúc đó, cáo buộc ông và một giám đốc khác có một loạt hành vi gian lận tài chính. Sau đó, Ghosn bị sa thải khỏi vị trí chủ tịch của hãng xe Nhật.
Tháng 9 năm nay, ông Saikawa đột ngột từ chức sau khi một cuộc điều tra nội bộ phát hiện rằng ông cũng nhận một khoản thưởng bất thường vào năm 2013.
Trong bản tóm tắt cuộc điều tra nội bộ công bố vào tháng 9, Nissan cáo buộc Ghosn và cựu giám đốc Greg Kelly che giấu khoản chi trả 327 triệu USD cho mình và một số giám đốc khác. Trong đó, 187 triệu USD là tiền thưởng không được công bố và 140 triệu USD là các chi tiêu bất hợp lý.
Cũng là người điều hành hãng xe Pháp Renault và liên minh ôtô Nissan-Renault-Mitsubishi, Ghosn bị sa thải khỏi tất cả các vị trí này và chờ xét xử tại Nhật.
Theo nguồn tin của tờ Financial Times, Ghosn không còn chịu quản thúc tại gia ở Tokyo nữa, nhưng không rõ ông đã được thả ra hay đạt được một thoả thuận với các công tố. Dẫn nguồn tin thân cận với Ghosn, tờ này cho biết ông đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Rafic al-Hariri của Beirut vào tối muộn ngày Chủ nhật (giờ địa phương).
Các luật sư của Ghosn đã yêu cầu toà án bác bỏ mọi cáo buộc chống lại ông. Họ cho rằng các công tố viên thông đồng với quan chức chính phủ và ban giám đốc của Nissan để đuổi Ghosn ra khỏi công ty, nhằm ngăn chặn một thương vụ sáp nhập với Renault.
Sau khi bị bắt, Ghosn bị giam giữ trong một thời gian dài, nhưng gần đây đã được bảo lãnh tại ngoại với những điều khoản nghiêm ngặt yêu cầu ông không được rời Nhật Bản.
Hồi tháng 9, Ghosn đạt được một thoả thuận với Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC) về cáo buộc khai báo sai thông tin tài chính, nộp phạt dân sự 1 triệu USD và chấp nhận lệnh cấm làm giám đốc tại một công ty niêm yết trong 10 năm.
Trước đó, SEC cáo buộc Ghosn cùng một số người khác che giấu hơn 140 triệu tiền thưởng và trợ cấp hưu trí của mình. Nissan cũng phải nộp phạt dân sự 15 triệu USD sau khi SEC cáo buộc hãng này vi phạm quy định chống gian lận. Cả hai vụ việc đều được thoả thuận mà các đương sự không thừa nhận hay phủ nhận cáo buộc. Ngoài niêm yết tại sàn chứng khoán Tokyo, cổ phiếu Nissan hiện cũng giao dịch trên sàn OTC của Mỹ.