21:32 28/11/2018

Đà Nẵng muốn chi hơn 1.200 tỷ chuộc lại “đất vàng” sân Chi Lăng

KIỀU LINH

Đà Nẵng muốn chuyển trả toàn bộ 1.200 tỷ đồng tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp thực nộp vào ngân sách để lấy lại sân vận động Chi Lăng

Khu đất vàng tại sân vận động Chi Lăng.
Khu đất vàng tại sân vận động Chi Lăng.

Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc xử lý sân vận động Chi Lăng.

Công văn nêu rõ, trong quá trình triển khai bản án hình sự vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm với phần nghĩa vụ dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất tại khu phức hợp sân Chi Lăng, cơ quan thi hành án dân dự thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, từ thời điểm năm 2010, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh được UBND thành phố chấp nhận đầu tư dự án tại khu vực Sân vận động Chi Lăng nhưng nhà đầu tư chưa làm thủ tục đầu tư đối với dự án nên việc giao đất cho Công ty này là không đúng đối tượng theo quy định pháp luật.

UBND thành phố không ra quyết định giao đất cho nhà đầu tư mà lại giao cho Công ty Quản lý và Khai thác quỹ đất Đà Nẵng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, việc này vi phạm thẩm quyền giao đất cũng như vi phạm trình tự, thủ tục pháp luật đất đai.

Theo Luật đất đai 2003, Khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng thuộc diện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thời gian sử dụng đất có thời hạn. Tuy nhiên, 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được cấp năm 2011 với thời hạn sử dụng lâu dài là vi phạm pháp luật về đất đai. 

Bên cạnh đó, khu vực sân vận động Chi Lăng mới chỉ được phê duyệt sơ đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất, chưa lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nên người nhận chuyển nhượng không thể đưa vào sử dụng đất.

Do đó, khi xử lý tài sản kê biên để thi hành án thì tổ chức, cá nhân nếu mua lại những tài sản này, cả kể ngân hàng đang nhận thế chấp cũng không thể đưa vào sử dụng được. Điều này khiến tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thể thực hiện được.

Cũng theo UBND thành phố Đà Nẵng, chủ trương trước đây của thành phố là di dời sân Chi Lăng ra khỏi thành phố để dành quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, công cộng, giảm gánh nặng về ách tắc giao thông khi người dân đến cổ vũ bóng đá.

Tuy nhiên, sân vận động Chi Lăng không chỉ đơn thuần là địa điểm phục vụ thể thao mà còn là một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng. Chính vì vậy, nhân dân Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị chính quyền thành phố bằng mọi cách giữ lại khu đất này.

Vì vậy, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố được giữ lại toàn bộ diện tích sân Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với bên được thi hành án.

Theo đó, thành phố sẽ chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất này để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền này là 1.251 tỷ đồng.

Hiện nay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đều là 100% vốn nhà nước. Do đó, Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét kiến nghị của Đà Nẵng để cho phép thành phố thỏa thuận với các ngân hàng nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các lô đất thuộc sân Chi Lăng.

Trước đó, năm 2010, thành phố Đà Nẵng có chủ trương thu hồi khu đất tại khu vực sân vận động Chi Lăng để phục vụ mục đích phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ tại khu đất Sân vận động Chi Lăng.

Quá trình kêu gọi đầu tư vào năm 2010, thành phố chỉ nhận được đề nghị tham gia của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. 

Từ thời điểm thành phố chấp nhận cho Tập đoàn Thiên Thanh đầu tư dự án đến nay, dự án chưa được triển khai thực hiện, nhà đầu tư chưa làm bất cứ thủ tục nào để đăng ký đầu tư đối với dự án mà khu đất đã được tách thành 14 lô và được UBND thành phố cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh.

Năm 2013, 2014, các công ty này đã  thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các lô đất này để vay vốn tại các ngân hàng.