15:10 14/09/2019

Đại biểu Quốc hội chỉ được mang quốc tịch Việt Nam

Nguyễn Lê

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình dự án luật - Ảnh: Quang Phúc.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình dự án luật - Ảnh: Quang Phúc.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.  

Trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án luật nói trên tại phiên họp chiều 14/9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội 2014 đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Lần sửa đổi này sửa đổi, bổ sung 11/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.

Cụ thể, dự thảo luật bổ sung tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, dự thảo luật quy định đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.  

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Ngoài ra còn bổ sung thẩm quyền của đoàn đại biểu Quốc hội trong việc xác định địa bàn đại diện của đại biểu được chuyển sinh hoạt đến để thuận tiện cho công tác tổ chức hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội, ông Phúc cho biết.

Liên quan đến quy định liên quan đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, điều 59 luật hiện hành được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Trưng cầu ý dân.

Khó tăng đại biểu chuyên trách

Sửa quy định về tỷ lệ đại biểu chuyên trách cũng là vấn đề được đặt ra và còn có hai loại ý kiến khác nhau.

Ông Phúc cho biết, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, tuy nhiên quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên.

Do đó, để thực hiện yêu cầu về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của luật mà tùy trong đề án bầu cử đại biểu Quốc hội của từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (37-40% hoặc 50%) để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu đại biểu Quốc hội một cách hợp lý, giảm số lượng đại biểu Quốc hội là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối các cơ quan hành pháp, tư pháp để tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện yêu cầu mà Trung ương đã đề ra.

Ban soạn cho rằng hiện tại tuy luật đã quy định rõ tối thiểu 35% tổng số đại biểu Quốc hội là đại biểu hoạt động chuyên trách nhưng trên thực tế, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm song con số này đến nay vẫn chưa đạt được.

Quốc hội khóa 14 hiện nay có 167 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tổng số 484 đại biểu Quốc hội (chiếm 34,5%) tổng số đại biểu Quốc hội.

Do đó, nếu sửa đổi luật theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào thì sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý đối với quy định của luật, ông Phúc nói.

Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng cách quy định tỷ lệ tối thiểu như luật hiện hành không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Đảng mà tùy thuộc yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng nhiệm kỳ, sẽ xác định mức tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý trong các đề án bầu cử đại biểu Quốc hội, có thể là 37% và cao hơn nữa.