Đại biểu Quốc hội chuyên trách bàn luật đặc khu, an ninh mạng
Đây là hai dự án luật được cho là rất khó, từng gây tranh cãi nảy lửa tại nghị trường
Đây là hai dự án luật được cho là rất khó, từng gây tranh cãi nảy lửa tại nghị trường.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 2 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Theo đó, hội nghị sẽ diễn ra ngày 4/4 với sự tham dự của khoảng 170 người, gồm cả các vị đại biểu không chuyên trách nhưng quan tâm đến nội dung hội nghị , một số chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan.
Vượt trội nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp
Như VnEconomy đã thông tin, dự thảo luật về đặc khu mới nhất vừa được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội đã có tên mới: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Về nội dung, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền cũng có nhiều điểm mới.
Tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung về quy hoạch, các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh … nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Các quy định trong dự thảo luật về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy... được tiếp thu trên cơ sở nguyên tắc phải bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhân dân, báo cáo nêu rõ.
Theo đó, dự thảo đã bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành các khu chức năng, đặc biệt là khu thương mại tự do tại các đặc khu.
Một số cơ chế nhằm bảo vệ và hỗ trợ người dân tại đặc khu, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế trước sự thay đổi và phát triển nhanh của các đặc khu cũng được bổ sung.
Mới được bổ sung còn có cơ chế quản lý đối với đối tượng lao động là người nước ngoài nhằm bảo đảm đúng mục tiêu khuyến khích, thu hút đối với lao động trình độ cao và hạn chế lao động phổ thông, tránh việc lợi dụng chính sách.
Đáng chú ý, dự thảo luật mới nhất đã có thêm quy định cụ thể về các trường hợp chủ tịch ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà phải thu hồi đất tại đặc khu nhằm bảo đảm chặt chẽ, minh bạch.
Ngoài ra, dự thảo cũng tách quy định về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại đặc khu thành một điều riêng. Đồng thời, làm rõ quy định về quyền sở hữu căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú, tạo cơ sở pháp lý để thử nghiệm chính sách mới này tại đặc khu.
Một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối, hải quan, nhập cảnh, đi lại và cư trú, chính sách đặc biệt riêng của từng đặc khu cũng đã được chỉnh lý, báo cáo nêu rõ.
Tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại đặc khu, như VnEconomy đã thông tin, cũng đã có thay đổi. Theo đó không còn thiết chế trưởng đặc khu và có thêm cơ chế giám sát quyền lực mới.
Bỏ quy định đặt máy chủ tại Việt Nam
Với Luật An ninh mạng, phiên thảo luận toàn thể tại kỳ họp cuối năm 2017 của Quốc hội đã chứng kiến những ý kiến trái chiều, đối nhau chan chát về quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết tháng 8/2017, một số vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam (Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Đại sứ Úc, Đại sứ Canada, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu và các Đại sứ quán các nước thành viên tại Việt Nam) đã gửi thư chung đến Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm quan ngại về yêu cầu đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và cho rằng trái với cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam, bao gồm những cam kết với tư cách là một thành viên của WTO.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo không quy định nội dung này trong dự thảo luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Riêng yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam vẫn được giữ lại tại dự thảo luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội.