"Đại chiến" ngành thép: Tăng thuế hay không?
Các doanh nghiệp ngành thép đang có những tranh cãi quyết liệt xung quanh đề xuất tăng thuế nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào là thép cuộn cán nóng của Bộ Tài chính
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017, Bộ Tài chính nêu và dự kiến tăng thuế nhập khẩu với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ 0 lên 5%.
Bộ này cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể lan tràn vào Việt Nam, kéo theo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Điều này khiến nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3.
"Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, 40% trong số đó từ Trung Quốc. Nếu không có thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng, thép cán cuộn giá rẻ sẽ từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam gây bất ổn thị trường thép Việt Nam", Bộ Tài chính cho hay.
Doanh nghiệp tôn mạ như "ngồi trên đống lửa"
Đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính được doanh nghiệp ngành tôn mạ Việt cho rằng là cú "knock out" cuối cùng hạ gục họ trong bối cảnh thế giới đầy biến động, chủ nghĩa bảo hộ lên cao.
7 tháng đầu năm nay, sản lượng tôn mạ của nhiều doanh nghiệp giảm từ 5% - 20%. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều phải cắt giảm sản xuất, dừng dây chuyền, giảm lao động, chỉ đang hoạt động 60% công suất thiết kế, thậm chí còn thua lỗ. Số khác sống lay lắt và phải tiến hành cải tổ, giải thể hàng trăm chi nhánh công ty, cắt giảm chi phí để nâng cao cạnh tranh.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi lên Bộ Tài chính mới đây, ông Trần Quốc Trí, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) khẳng định việc tăng thuế nhập khẩu không hạn chế được thép Trung Quốc vào Việt Nam mà còn gây phản ứng ngược.
Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) nên dù có đánh thuế, mặt hàng này vẫn được nhập khẩu với mức ưu đãi đặc biệt 0% theo hiệp định. Trong khi đó, thép nhập khẩu từ các nước khác sẽ chịu thuế 5% nên buộc các doanh nghiệp phải dịch chuyển nguồn cung sang Trung Quốc.
Ông Trí nhấn mạnh tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 214 kg, trong khi các nước phát triển lên đến 500 kg. Năng lực sản xuất trong nước hiện mới đáp ứng dưới 40%.
Vị doanh nhân cho biết, nếu như Hoà Phát Dung Quất công suất 2 triệu tấn đi vào hoạt động thời gian tới thì trong nước cũng chỉ đáp ứng được 60%.
"Tăng thuế càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép trong bối cảnh ngành này đang gặp nhiều khó khăn. Đây có thể là một cú knock out với đa số doanh nghiệp sản xuất tôn mạ nhưng lại tạo cơ hội cho một vài doanh nghiệp độc quyền thị trường, tác động tiêu cực đến định hướng phát triển của ngành thép Việt Nam", văn bản của Hoa Sen gửi Bộ Tài chính nêu.
Được biết, sản xuất thép cuộn cán nóng tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là Formosa. Hoà Phát với quy trình sản xuất khép kín cũng tự chủ được nguồn nguyên liệu thép cuộn cán nóng. Còn lại, hầu hết các doanh nghiệp thép, tôn mạ đều nhập khẩu thép cuộn cán nóng từ thị trường nước ngoài.
Thống kê 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc chiếm 35%, Ấn Độ và Đài Loan chiếm 32% tổng lượng nhập, còn lại là các thị trường khác.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khẳng định nếu tăng thuế lên 5%, lượng thép cuộn cán nóng từ Ấn Độ, Đài Loan, Brazil sẽ phải chịu mức thuế 5% thay vì 0% như hiện nay do Việt Nam chưa có FTA với những nước này, riêng Trung Quốc được hưởng thuế 0% theo hiệp định ASEAN - Trung Quốc. Khi đó thép từ các thị trường này sẽ không thể cạnh tranh được với thép Trung Quốc. VSA dự báo thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc sẽ chiếm tới 70-80% nếu như tăng thuế. Ngay cả khi các nhà máy trong nước có cung cấp được thép cuộn cán nóng thì đối với một số chủng loại sản phẩm yêu cầu chất lượng cao thì các doanh nghiệp vẫn cần nhập khẩu.
"Hiện giá thép cuộn cán nóng sản xuất nội địa đang cao hơn giá nhập khẩu của Việt Nam từ 15 -20 USD/tấn, tương ứng 3-4%. Nếu tăng thuế 5% thì giá nguyên liệu trung bình tại Việt Nam cao hơn giá thế giới từ 8-9%, giá thành phẩm cũng tăng tương ứng. Như vậy, doanh nghiệp tôn mạ không thể bán đi các nước được, ở thị trường trong nước cũng không cạnh tranh được với tôn màu nhập khẩu", VSA phân tích.
Hiệp hội còn cho biết, thông thường việc tăng thuế suất ưu đãi nhập khẩu đối với một sản phẩm cần 2 yếu tố đó là trong nước đã sản xuất được sản phẩm đó, năng lực sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay Việt Nam mới sản xuất được vài loại mặt hàng như thép cuộn cán nóng khổ 2m, thép cuộn cán nóng cỡ mỏng, thép cacbon cao, một số chủng loại đặc biệt chưa làm được.
Tuy vậy, VSA cho rằng về lâu dài vẫn ủng hộ chủ trương xây dựng ngành thép VIệt Nam phát triển đồng bộ đi từ sản xuất thượng nguồn đến hạ nguồn. Tức là tự chủ nguồn nguyên liệu theo quy trình khép kín, không phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Việc này cũng góp phần tăng năng lực cạnh và hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào thị trường có FTA với Việt Nam.
Hai mặt của một "lưỡi dao"
Công cụ thuế như một lưỡi dao sắc bén trong kỷ nguyên hội nhập, vừa lợi và vừa tác động tiêu cực tới doanh nghiệp. Hai Bộ Tài chính - Bộ Công Thương đã có những động thái quyết định số phận của các doanh nghiệp tôn thép năm nay. Trong khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ khiến các doanh nghiệp tôn mạ "thăng hoa" ngay lập tức thì Bộ Tài chính lại rập rình tăng thuế nhập khẩu.
Về đề xuất tăng thuế với thép cuộn cán nóng lên 5%, Bộ Tài chính dẫn số liệu của Hiệp hội thép tại công văn số 35/2019 khẳng định năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của doanh nghiệp trong nước tính đến tháng 12/2018 đạt 3,4 triệu tấn/năm.
"Nhu cầu tiêu thụ thép cuộn cán nóng trong nước khoảng 10 triệu tấn/năm. Như vậy, năng lực sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 50% dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu trong nước khi nhà máy của Công ty Hoà Phát tại Dung Quất và Formosa đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thép cuộn cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và mặt hàng tôn mạ màu đang có mức thuế suất cơ bản từ 5% -25%, như vậy phù hợp với nguyên tắc thuế nhập khẩu tăng dần từ nguyên liệu thô đến thành phẩm", Bộ Tài chính nêu.
Bộ Tài chính khẳng định, nếu tăng thuế lên 5% với thép cuộn cán nóng sẽ làm tăng thu cho ngân sách nhà nước là 137 triệu USD tương ứng 3.152 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tăng thuế các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhập khẩu từ các nước có kí kết FTA với Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% như Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc.
Vì vậy số thu có thể thấp hơn so với con số tính toán trên. Song để đủ điều kiện áp dụng thuế suất 0% các doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm chi phí xin giấy chứng nhận xuất xứ và tìm đối tác nhập khẩu mới.
Trước đó, các doanh nghiệp tôn mạ đã "mở tiệc ăn mừng" khi Bộ Công Thương dựng hàng rào thuế cao ngăn chặn tôn mạ nước ngoài. Cụ thể, ngày 25/6, mức thuế chống bán phá giá dành doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Hàn Quốc từ 4,48% -19,25%, và 20 doanh nghiệp của Trung Quốc bị áp mức cao hơn rất nhiều, từ 3,45-34,27%.
Việc áp thuế ngay lập tức thẩm thấu, khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tôn mạ chuyển sang khả quan.