Đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra ì ạch
Dù được nối lại, đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hầu như chưa có bước tiến đáng kể nào
Các nhà đàm phán thương mại cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã có một cuộc điện đàm vào ngày thứ Năm. Đây là cuộc trao đổi qua điện thoại thứ hai giữa hai bên kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt thỏa thuận "đình chiến" thương mại vào cuối tháng 6.
Theo tin từ Reuters, phát ngôn viên của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) xác nhận rằng Đại diện thương mại Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin đã tiến hành cuộc điện đàm với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, chi tiết của cuộc thảo luận không được công bố.
Hiện phía Trung Quốc cũng chưa đưa ra thông tin nào về cuộc điện đàm nói trên.
Trao đổi với Reuters khi đang ở Chantilly, Pháp để dự hội nghị quan chức tài chính và ngân hàng trung ương nhóm G7, ông Mnuchin cho biết có khả năng các nhà đàm phán Mỹ-Trung sẽ gặp trực tiếp trong thời gian tới.
"Hiện tại, chúng tôi đang có những cuộc gọi ở cấp công tác. Sẽ là tốt nếu có những cuộc gặp trực tiếp. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ có những cuộc gặp như vậy. Việc đó là có thể, nhưng tôi không muốn nói trước điều gì cả", ông Mnuchin nói.
Đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào bế tắc hồi đầu tháng Năm. Sau khi ông Trump và ông Tập đạt thỏa thuận hòa hoãn vào cuối tháng 6, đàm phán được nối lại những diễn ra với tốc độ ì ạch.
Giữa Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đang tồn tại những bất đồng lớn. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross gần đây cảnh báo rằng cuộc đàm phán này sẽ là một "quá trình dài".
Tuần này, ông Trump cảnh báo có thể áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nếu ông muốn, và phàn nàn về việc Trung Quốc vẫn chưa mua thêm khối lượng lớn hàng nông sản Mỹ như đã hứa. Một vấn đề lớn khác trong đàm phán còn là việc Mỹ sẽ nới trừng phạt tới mức độ nào cho hãng công nghệ Trung Quốc Huawei.
Quốc hội Mỹ đang gia tăng sức ép đòi chính quyền ông Trump không nhượng bộ trong vấn đề Huawei. Tuần này, một nhóm nghị sỹ Mỹ đã trình một dự luật chống Huawei nhằm không cho phép Chính phủ đưa Huawei khỏi "danh sách đen" nếu không có sự cho phép của lưỡng viện Quốc hội.
Chuyên gia kinh tế trưởng William Lee của Milken Institute nói rằng căng thăng Mỹ-Trung vẫn đang âm ỉ ở mức cao, và cả hai bên đều chưa sẵn sàng nhượng bộ trong những vấn đề quan trọng.
"Mức độ bấp bênh lớn này khiến các công ty sản xuất trì hoãn kế hoạch đầu tư, gây ra trở ngại cho tăng trưởng kinh tế Mỹ", ông Lee nói. "Vấn đề thực sự ở đây là Trung Quốc muốn được tôn trọng. Họ muốn giữ thể diện trên bàn đàm phán".