Dàn lãnh đạo Mobifone rơi vào vòng lao lý vì "nghe lời sếp"
Trong số 14 bị can được đưa ra xét xử trong vụ án Mobifone mua cổ phần AVG có 8 lãnh đạo cấp cao của Mobifone
Ngày 17/12, Toà án nhân dân Tp. Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Mobifone mua cổ phần AVG. Trong các tình tiết của vụ án này điều khiến nhiều người tham gia chú ý nhất đó là một loạt các lãnh đạo Mobifone rơi vào vòng lao lý vì được cho là "nghe lời sếp".
"Mua AVG vì là nghe lời Bộ trưởng"
Ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone cuối phiên toà chiều 16/12 nói khi còn là Tổng giám đốc Mobifone đã có kế hoạch mua một hãng truyền hình kỹ thuật số, nhân một dịp gặp Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã được gợi ý: "ông Phạm Nhật Vũ đang muốn bán AVG đấy". Sau đó ông Trà được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Cao Duy Hải cũng thăng chức lên Tổng giám đốc.
Ông Trà khẳng định việc đầu tư dự án này và giá mua bao nhiêu là do lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông lúc bấy giờ quyết.
"Đây là dự án thuộc nhóm A, Bộ chỉ đạo trực tiếp nên chúng tôi hiểu đó là đúng luật. Nếu Quyết định 236 của Bộ không áp giá mua 8.900 tỷ thì chúng tôi sẽ không mua AVG. Trước giờ ký kết cuối cùng về thương vụ, tôi có ăn trưa với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và được nhắn nhủ cậu cứ ký đi dù tôi định để Cao Duy Hải ký", ông Trà nói.
Về khoản tiền 2,5 triệu USD, ông Lê Nam Trà cho biết 500.000 USD là quà Tết, 2 triệu USD là sau thương vụ. "Tôi thấy Vũ nói biếu ít quà nhưng mở ra lại là rất nhiều tiền, tôi gọi lại cho Vũ hỏi sao biếu nhiều thế thì Vũ nói em gửi biếu anh. Tôi biết việc khai báo vậy sẽ chịu hình phạt nặng nhưng nói ra để lương tâm thanh thản và xin pháp luật khoan hồng", ông Trà sau khi nhận tiền từ Vũ đã trích ra 700.000 USD để biếu ông Nguyễn Bắc Son.
Bị cáo Cao Duy Hải chính là người thực thi các bước để hoàn thiện thương vụ. Theo cáo trạng, Hải đã nhiều lần báo cáo ông Son và ông Trà về việc tạm dừng dự án để nghiên cứu kỹ hơn song không ai nghe theo.
"Lúc đó Bộ trưởng Son bảo là dự án này rất tốt, phải khẩn trương mua", ông Hải khai trước toà. Sau chốt thương vụ, ông Hải được Phạm Nhật Vũ mang biếu 500.000 USD.
"Bị cáo thực sự ân hận và đã tích cực khắc phục hậu quả vụ án, nhanh chóng huỷ bỏ hợp đồng mua bán nên mong được Hội đồng xét xử khoan hồng", ông Hải nói.
"Vì quá tin tưởng sếp và chỉ đạo của các Bộ ngành"
Ngoài hai lãnh đạo này, tại Mobifone một loạt lãnh đạo là Thành viên Hội đồng quản trị Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn; Phó tổng giám đốc là Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Đăng Nguyên có trách nhiệm trong việc lập Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình AVG.
Bà Mai khai nhận không nhận được các tài liệu về thương vụ trước 3 ngày để nghiên cứu dù ý thức được tài chính AVG đang khó khăn, giá mua chênh lệch lớn. Song vì quá tin tưởng kết quả làm việc của Ban Tổng giám đốc, đây là dự án lớn nên cơ quan Bộ ngành đã xem xét, quyết định rồi nên theo đề nghị của ông Lê Nam Trà bà đã biểu quyết đồng ý dự án trong các cuộc họp của Hội đồng thành viên.
Được phân công về chuẩn bị nguồn vốn cho thương vụ này nhưng bà Mai đã giao cho Phó tổng giám đốc Phạm Thị Phương Anh và Ban tài chính thực hiện. Bị can này khai nhận, có hai cuộc họp trong thương vụ này không diễn ra nhưng vẫn ký vào biên bản họp để hợp thức hoá hồ sơ.
Bị can Hồ Tuấn, Thành viên Hội đồng quản trị Mobifone và cũng khai nhận không được phân công công việc liên quan đến dự án chỉ thông qua báo cáo của Ban Tổng giám đốc tại các cuộc họp.
"Do không có chuyên môn nên không có cơ sở để đánh giá, phản đối và do tin tưởng cấp dưới và xác định dự án sẽ được các Bộ, Ngành có chức năng xem xét, đánh giá, quyết định nên theo đề nghị của Chủ tịch Lê Nam Trà, Hồ Tuấn đã biểu quyết đồng ý triển khai dự án tại cuộc họp của Hội đồng quản trị", ông Tuấn khai nhận.
Phó tổng giám đốc Phạm Thị Phương Anh được phân công nhiệm vụ về tài chính, kế toán. Khi tham gia dự án có vai trò triển khai các thủ tục mua lại doanh nghiệp cung cấp truyền hình trên cơ sở đánh giá lại kết quả tư vấn của VCBS.
Phạm Thị Phương Anh biết tình hình tài chính của AVG xấu nhưng vẫn đồng thuận và không phản đối việc mua cổ phần AVG vì chấp hành quyết định của Tổng giám đốc trong quá trình thực hiện dự án. Phạm Thị Phương Anh thừa nhận có trách nhiệm liên quan cùng Ban Tổng giám đốc đối với những sai phạm trong việc thực hiện dự án.
Phó tổng giám đốc Mobifone Nguyễn Mạnh Hùng giữ vai trò Tổ trưởng Tổ đánh giá kinh doanh, Tổ phó Tổ đàm phán. Dù biết rõ tình hình tài chính AVG rất yếu kém, thua lỗ kéo dài nhưng đã thực hiện xây dựng phương án kinh doanh dịch vụ và phương án hoàn của dự án. Ông này đã tham gia ký kết nhiều văn bản
Bị can này xác định phương án kinh doanh do mình ký là không khả thi vì khi xây dựng đã không tiến hành đánh giá, khảo sát thực tế, dự báo theo hiểu biết cá nhân, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình và đã đề nghị Tổng giám đốc thuê tư vấn nhưng không được chấp nhận.
Phó tổng giám đốc Nguyễn Bảo Long phụ trách về kỹ thuật, công nghệ. Long đã kiến nghị Mobifone nên tiến hành mua một nhà cung cấp truyền hình. Việc kiến nghị này chỉ là quan điểm cá nhân, không có ý kiến chỉ đạo, định hướng nào của Lãnh đạo Mobifone. Sau đó, Long được Lê Nam Trà chỉ đạo tìm hiểu về kỹ thuật truyền hình của AVG.
Ngày 13/7/2015, Tổ thẩm định đã có báo cáo đánh giá hiện trạng mạng AVG và theo Long công nghệ truyền hình của AVG là tương đối hiện đại, trang thiết bị truyền hình được đầu tư đều của Mỹ và Châu Âu. Nguyễn Bảo Long nhận thấy có trách nhiệm liên quan cùng Ban Tổng giám đốc đối với những sai phạm trong việc thực hiện dự án. Dù không muốn nhưng Long vẫn phải nghe theo sự chỉ đạo của Lê Nam Trà và Cao Duy Hải.
Bị can Nguyễn Đăng Nguyên, với vai trò là Phó tổng giám đốc được giao chỉ đạo lập dự án, đánh giá phân tích về kỹ thuật, kinh doanh, tài chính trên cơ sở ý kiến của các Phó tổng giám đốc khác. Ông tham gia vào 3 cuộc họp đàm phán giá mua cổ phần AVG.
Ông Nguyên khai nhận đã không thực hiện lập dự án cùng Ban tổng giám đốc mà chỉ đánh giá hiệu quả dự án trên các báo cáo của Phó tổng giám đốc Phương Anh cùng các ban tài chính, kế toán chuyển đến. Ông cũng không đồng ý và không ký đề xuất thanh toán 5% giá trị hợp đồng.
Một hình ảnh khác tại phiên toà. Ảnh: TTXVN
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, các bị can ở Mobifone là những người thực hành tích cực gây thiệt hại trực tiếp cho Mobifone là 6.590 tỷ đồng.