10:37 28/02/2018

Đầu năm, kim ngạch và giá xuất khẩu điều tăng mạnh

Nguyễn Huyền

Dự báo, 2018 tiếp tục là năm "mưa thuận, gió hòa" của ngành điều

Nhu cầu tiêu thụ điều trên thị trường thế giới dự báo vẫn tiếp tục tăng, vụ sản xuất điều trong nước đang diễn biến thuận lợi.
Nhu cầu tiêu thụ điều trên thị trường thế giới dự báo vẫn tiếp tục tăng, vụ sản xuất điều trong nước đang diễn biến thuận lợi.

Trong 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu điều đạt 54 ngàn tấn và 556,87 triệu USD, tăng 2,07 lần về lượng và tăng 2,4 lần về kim ngạch so với cùng kỳ. Đây là mức tăng "khủng" trong lịch sử xuất khẩu của ngành điều Việt Nam.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điều trong tháng 2/2018 ước đạt 23.414 tấn với kim ngạch 240,29 triệu USD. Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2018 đạt 54 ngàn tấn và 556,87 triệu USD, tăng 107% về lượng và tăng 140% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Tăng mạnh ở hầu hết các thị trường chính

Khối lượng và kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang các thị trường tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2017, nhưng quan trọng hơn hết là giá điều xuất khẩu bình quân cũng đạt mức tương đối cao với 10.253,6 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ và tăng 1,3% so với tháng cuối năm 2017.

Mỹ vẫn duy trì là thị trường đứng đầu về tiêu thụ các loại hạt điều của Việt Nam, chiếm 30% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt 9.238 tấn, trị giá 96,21 triệu USD, tăng 52,2% về lượng và tăng 67,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá hạt điều xuất khẩu sang Mỹ đạt 10.414,5 USD/tấn, tăng 10%.

Trung Quốc vượt qua Hà Lan, lên vị trí thứ 2 về tiêu thụ hạt điều của Việt Nam, chiếm 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt 6.355 tấn, trị giá 62,73 triệu USD, tăng 86% về lượng và tăng 101% về trị giá. 

Giá xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 8,3%, đạt 9.871 USD/tấn. Thị trường Hà Lan đứng thứ 3, đạt 3.566 tấn, tương đương 39,87 triệu USD, chiếm 12% thị phần, tăng 71,4% về lượng và tăng 105% về kim ngạch. Giá xuất khẩu đạt mức tương đối cao 11.182 USD/tấn, tăng 19,7%.

Giảm lượng, tăng chất

Trong năm 2018, xuất khẩu điều sang các thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan... được dự báo là tăng trưởng tốt. 

Cụ thể, trong năm 2018 thị trường Hoa Kỳ sẽ vẫn giữ tốc độ tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này vẫn ổn định và tăng nhẹ. 

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban quốc tế Hoa Kỳ, năm 2017, nhập khẩu hạt điều vào thị trường Hoa Kỳ đạt 1,7 tỷ USD, tăng 28,5% so với năm 2016 và tăng 36,1% so với năm 2015. 

Năm 2017, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất tại thị trường Hoa Kỳ, chiếm 75,9% thị phần, tăng so với 75,4% thị phần trong năm 2016 và 68,8% thị phần trong năm 2015.

Còn theo số liệu thống kê từ Trung tâm thông tin hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt điều của Trung Quốc trong năm 2017 đạt 4.321 tấn, trị giá đạt 46,9 triệu USD, tăng 86,5% về lượng và tăng 139,7% về trị giá với năm 2016. 

Trong đó, mặt hàng hạt điều của Việt Nam chiếm 97,9% thị phần (về lượng) và chiếm 98,5% thị phần (về trị giá), tăng so với 91,9% thị phần (về lượng) và 95,1% thị phần (về trị giá) trong năm 2016. 

Tuy nhiên, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, dựa trên tình hình sản xuất, kinh doanh trong năm 2018, ngành điều thống nhất mục tiêu "giảm lượng và tăng chất" trong chế biến, xuất nhập khẩu. 

Cụ thể: Về sản lượng chế biến xuất khẩu giảm từ 350 ngàn tấn điều nhân các loại năm 2017 xuống còn 300 ngàn tấn năm 2018. Tương đương giảm giá trị xuất khẩu từ 3,5 tỷ USD xuống còn 3 tỷ USD.

"Nguyên nhân giảm là do chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ trong khi điều nguyên liệu nhập khẩu giá lại quá cao và chất lượng kém. Do vậy, năm nay ngành điều chủ trương tập trung "giảm lượng, tăng chất", đi vào chế biến sâu và phát triển thị trường nội địa", ông Nguyễn Đức Thanh Chủ tịch Vinacas khẳng định.