10:01 07/05/2019

Đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Canada, cơ hội từ CPTPP

QUANG TRÍ

Canada hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam và chiếm gần 5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam

Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Canada, chiếm 30,3% thị phần.
Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Canada, chiếm 30,3% thị phần.

Bốn tháng đầu năm 2019, ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm 2018. Riêng quý I đạt 1,8 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ; trong đó, ngành tôm đạt 617,6 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỷ USD đề ra trong điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn là thách thức không nhỏ đối với ngành tôm. Do vậy, đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào các thị trường tiềm năng như Canada là việc các doanh nghiệp tôm cần làm, nhất là tận dụng tối đa những ưu đãi do CPTPP mang lại. Canada hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam và chiếm gần 5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Canada - thị trường tiềm năng

Tính tới 15/3/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada đạt 23,8 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Canada, tỷ trọng tôm chân trắng ngày càng tăng.

Giai đoạn từ năm 2007-2016, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada không ổn định, dao động trong khoảng từ 65,5 – 201,5 triệu USD. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada tăng trưởng liên tục từ 122,5 triệu USD năm 2016 lên 161,6 triệu USD năm 2018.

Trong nhiều năm qua, Canada luôn có tên trong số 10 thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Xuất khẩu tôm sang thị trường này mặc dù không tăng trưởng mạnh và liên tục nhưng Canada được coi là thị trường tiềm năng đối với mặt hàng tôm Việt Nam do vị trí nằm sát với nước Mỹ và người dân ở đây có mức sống cao. Người tiêu dùng Canada ưa chuộng các sản phẩm tôm chế biến và sản phẩm phổ biến tại thị trường Canada là tôm hấp nguyên con, để vỏ.

Những năm gần đây, Canada tiêu thụ khá nhiều tôm nước ấm của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh nguồn cung tôm nước lạnh sụt giảm. Các báo cáo mới đây dự kiến sản lượng khai thác tôm nước lạnh tại Canada sẽ giảm mạnh trong năm 2019 do các khảo sát về sinh khối tôm tại các ngư trường khai thác của Canada cho thấy kết quả không khả quan. Đây có thể được coi là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada.

Việt Nam - nguồn cung tôm lớn nhất cho Canada

Theo Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), nhập khẩu tôm của Canada năm 2018 đạt 513,3 triệu USD, giảm 5% so với năm 2017. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường này, chiếm 30,3% thị phần tại Canada. Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt đứng thứ 2 và 3 với 26,3% và 16,9% thị phần. 

Năm 2018, trong các nguồn cung tôm chính, nhập khẩu tôm vào Canada từ Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia tăng trong khi nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, Thái Lan và Ecuador giảm, trong đó Thái Lan giảm mạnh nhất 38% so với năm 2017. Nền kinh tế của Canada trong 2 năm gần đây tăng trưởng tốt khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, trong đó có con tôm tăng cao hơn.

Hiện Chính phủ Canada đang có nhu cầu đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc nhập khẩu từ Hoa Kỳ, và Việt Nam là một trong những quốc gia, các doanh nghiệp Canada quan tâm muốn đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), đầu năm nay, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam; trong đó, Việt Nam và Canada đều là thành viên. Và đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tôm Việt Nam khai thác thị trường Canada vì các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều không tham gia hiệp định.

Với những lợi thế trên, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, chú trọng các yếu tố về giá cả, mẫu mã, chất lượng để nâng tính cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường Canada.

Theo Bộ Công Thương, CPTPP đã có hiệu lực kể từ ngày 14/1/2019, là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận được từ các FTA đã có, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng.

Trong số các quốc gia tham gia CPTPP, Canada là một trong những nước có mức cam kết mở cửa thị trường cao nhất với hàng nghìn dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trở về 0%, với mức cắt giảm thuế lên tới 95% số dòng thuế, bao trùm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada.

Bên cạnh đó, Canada là 1 trong 3 nước thành viên mà Việt Nam chưa có thỏa thuận thương mại song phương. Cơ cấu sản phẩm của Việt Nam và Canada ít cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau.

Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được tốt cơ hội, CPTPP sẽ mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn là thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ...

"Để doanh nghiệp có thể nắm được các thông tin về cam kết của CPTPP, đặc biệt là cam kết của Việt Nam và Canada trong CPTPP; hiểu được cơ hội, thách thức cũng như khả năng tận dụng CPTPP đối với doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Canada; phát triển hợp tác đầu tư Canada tại Việt Nam, đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng khu vực, Bộ Công Thương dự kiến tổ chức hội thảo: "Hiệp định CPTPP, Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam - Canada", đại diện Bộ Công Thương cho biết.