17:00 17/11/2017

Để phát triển bền vững ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam

Thùy Trang

Ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam những năm gần đây đã nổi lên nhiều ví dụ điển hình về việc sáng tạo, phát triển và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị.

Với những lợi thế và tiềm năng đặc trưng, ngành công nghiệp thực phẩm được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế xã hội.

"Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ/ngành, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động, thực hiện các giải pháp cụ thể trong việc phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu của thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới", ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết tại Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2017), diễn ra ngày 16/11 vừa qua tại Tp.HCM.

Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, người tiêu dùng thế giới nói chung và Việt Nam kỳ vọng ngày càng cao hơn về các sản phẩm thực phẩm có chất lượng và uy tín.

Bà Lê Ngọc Bảo Trâm, quản lý cao cấp, nhóm đo lường bán lẻ của Nielsen cho rằng, với sự cải thiện về đời sống kinh tế, tầng lớp người tiêu dùng trung lưu ở Việt Nam ngày càng tăng về số lượng và có nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm có thương hiệu, quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

Thực tế cho thấy, những sản phẩm thực phẩm liên quan tới "hữu cơ", "giải độc" và "nhà làm" đang là những sản phẩm đứng đầu danh sách các chủ đề được thảo luận trên các mạng xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu sắc và môi trường cạnh tranh ngày càng phức tạp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm cũng đã nhận thức được rõ nét hơn tầm quan trọng sống còn của việc không ngừng nâng cao nội lực, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến để đổi mới, nâng cao phẩm cấp sản phẩm để tiếp cận và đáp ứng phù hợp hơn các nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam những năm gần đây đã nổi lên nhiều ví dụ điển hình về việc sáng tạo, phát triển và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chẳng hạn như Vinamilk đang thúc đẩy xu hướng sản phẩm organic trong FMCG; Heineken Việt Nam nắm bắt xu hướng về những ngành hàng mới bằng việc giới thiệu dòng sản phẩm Cider đang nổi lên trên thị trường thế giới để ứng dụng cho thị trường Việt Nam.

Có những hãng chỉ đơn thuần thay đổi thiết kế hoặc kiểu dáng bao bì hấp dẫn hơn cho sản phẩm cũng khiến doanh thu tăng trưởng âm trong năm ngoái vượt lên tăng trưởng dương vào năm nay.

Tuy nhiên, vẫn có một số lượng rất lớn doanh nghiệp Việt còn loay hoay tìm hướng ra thị trường cho sản phẩm ở dạng nguyên liệu hoặc chế biến thô, chưa thực sự đầu tư sâu để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Thực tế xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam tăng cao qua các năm nhưng sản phẩm thô vẫn chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch.

Ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc R&D của Tập đoàn PAN, cho rằng: "Để nâng cao vị thế của thực phẩm Việt Nam thì mỗi thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm từ nông dân, các nhà sản xuất, chế biến và phân phối cần hết sức nỗ lực nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng ổn định, an toàn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt cần có sự hợp tác tốt giữa các thành viên trong chuỗi".

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, tư vấn phát triển thị trường thực phẩm, ông Leon Truji - Công ty Nation Mark của Colombia nhận định rằng, song song với việc phát triển sản phẩm, các ngành hàng thực phẩm của Việt Nam cần cùng chung sức mạnh để xây dựng một thương hiệu thực phẩm quốc gia nhằm tăng mức độ nhận biết của thế giới với thực phẩm của Việt Nam.

Và việc Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến Thương mại) thời gian qua tập trung vào việc xây dựng, đẩy mạnh các hoạt động của Chương trình Thương hiệu Thực phẩm quốc gia là một trong những hướng đi chiến lược, phù hợp với tình hình hiện tại và xu hướng phát triển tương lai của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.