23:35 12/06/2017

Dừng xây hạ tầng sân golf, thuê tư vấn nước ngoài mở rộng Tân Sơn Nhất

Nguyên Hà

Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng đối với việc mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ sẽ xem xét tính toán các phương án để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bảo đảm các yếu tố: nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, nhằm mục đích giảm ùn tắc, quá tải - Ảnh: Giao Thông.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ sẽ xem xét tính toán các phương án để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bảo đảm các yếu tố: nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, nhằm mục đích giảm ùn tắc, quá tải - Ảnh: Giao Thông.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo dừng mọi công trình hạ tầng phụ trợ trong sân golf, thuê tư vấn nước ngoài... là những chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Tư vấn nước ngoài sẽ làm việc độc lập

Chiều ngày 12/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. 

Tham dự cuộc họp còn có các phó thủ tướng, các bộ trưởng Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, cùng Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại cuộc họp này, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Quốc phòng và đơn vị tư vấn của hàng không báo cáo về vấn đề liên quan đến mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong kết luận về việc này, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận các ý kiến phản ánh, giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, thuê tư vấn nước ngoài tiến hành làm việc độc lập để nghiên cứu, đánh giá, khảo sát theo hướng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, với cách làm phải khách quan, trung thực nhất về hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất... 

Kết quả cần được báo cáo cho Thường trực Chính phủ vào cuối năm nay.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định, vì mục đích mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao đất quốc phòng để làm việc này.

Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định.

“Tinh thần là Chính phủ sẽ xem xét tính toán các phương án để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bảo đảm các yếu tố: nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, nhằm mục đích giảm ùn tắc, quá tải”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông cũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo trong khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn phải đẩy mạnh tiến độ đầu tư dự án sân bay Long Thành. 

Như vậy, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không ảnh hưởng gì tới việc thực hiện dự án sân bay Long Thành, và khi sân bay Long Thành đưa vào sử dụng thì sân bay Tân Sơn Nhất vẫn hoạt động bình thường.

4/7 phương án của ADCC tính tới việc dùng đất sân golf

Tại các cuộc họp trước đây, đơn vị tư vấn - Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) thuộc Bộ Quốc phòng - đã trình bày chi tiết 7 phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. 

Với bài toán nâng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên khoảng 45 triệu hành khách/năm, trong 7 phương án quy hoạch được đơn vị tư vấn đề xuất, thì đã có tới 4 phương án đã tính tới việc sử dụng đất sân golf để xây mới đường băng thứ ba của sân bay cùng các công trình phụ trợ.

Trong đó, phương án 1 đề xuất xây dựng mới đường băng thứ ba về phía Bắc (khu vực sân golf) và xây dựng hai nhà ga mới cùng các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf. Đây là phương án đã được tư vấn Nhật Bản nghiên cứu trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay quốc tế Long Thành, với tổng mức đầu tư hơn 201.000 tỷ đồng, phải giải phóng mặt bằng 616 ha, có khả năng ảnh hưởng tới 140.000 hộ dân.

Phương án 2 đề xuất xây dựng mới đường băng thứ ba về phía Bắc và hoàn chỉnh hệ thống đường lăn, sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga hành khách với ba kịch bản khác nhau (ba phương án 2A, 2B, 2C khác nhau chủ yếu về khoảng cách giữa đường băng thứ ba đến đường băng số thứ hai hiện có tại sân bay Tân Sơn Nhất, để giảm thiểu diện tích và chi phí giải phóng mặt bằng), có tổng mức đầu tư dao động từ 100.000 - 187.000 tỷ đồng, việc giải phóng mặt bằng có khả năng ảnh hưởng từ 25.400 - 68.000 hộ dân.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, phương án số 3 do ADCC đưa ra là khả thi, có nhiều ưu điểm nhất.

Cụ thể, đây là phương án xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất hạ cánh; cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay; xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía Nam sân bay hiện nay.

Phương án này, theo lãnh đạo Bộ, đáp ứng được yêu cầu nâng năng lực khai thác tại Tân Sơn Nhất lên mức 43 - 45 triệu hành khách/năm, mà lại có thời gian thực hiện quy hoạch nhanh nhất (2 - 3 năm), kinh phí thấp nhất (ước khoảng 16.000 tỷ đồng), và diện tích đất quốc phòng phải chuyển đổi là ít nhất (12,54 ha). Phương án này cũng rất thuận lợi để triển khai vì vừa qua, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 21 ha đất tại phía Nam sân bay (sân golf nằm ở phía Bắc sân bay) cho Bộ Giao thông Vận tải, có thể xây thêm 29 vị trí đỗ máy bay dân dụng tại đây.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu ADCC phải lập phương án 3B, có cùng công suất với phương án 3, nhưng đầu tư xây dựng ở phía Bắc. Song theo ADCC, nếu chọn phương án này thì tổng mức đầu tư lên tới 61.590 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với phương án 3.

Dừng xây hạ tầng sân golf, thuê tư vấn nước ngoài mở rộng Tân Sơn Nhất 1
 Vị trí sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất trên bản đồ Google Map.