16:40 08/04/2015

Mục tiêu 110.000 tỷ đồng “xã hội hóa” đầu tư sân bay

Anh Minh

Ngành hàng không hy vọng hút nguồn vốn khủng để đầu tư nâng cấp hệ thống sân bay hiện nay

Một góc sân bay Phú Quốc. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng.<br>
Một góc sân bay Phú Quốc. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng.<br>
Phát biểu tại một hội thảo ở Hà Nội sáng nay (7/4), Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết tới đây sẽ áp dụng ba hình thức xã hội hóa đầu tư vào sân bay, hướng tới mục tiêu thu hút hơn 110.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ba hình thức

Cụ thể, hình thức thứ nhất là nhượng quyền theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý, theo đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư sẽ ký kết hợp đồng để quản lý, kinh doanh công trình nhượng quyền trong một thời hạn nhất định theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư mới ban hành.

Hình thức thứ hai là nhượng quyền thông qua chuyển đổi doanh nghiệp.

Hiện nay 21 cảng hàng không đang hoạt động đều là các đơn vị hoạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Với hình thức này, sẽ thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu các chi nhánh cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền.

Theo ông Thanh, hình thức này phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại Nghị định số 128/2014/NĐ-CP.

Hình thức thứ ba là cổ phần hóa ACV.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo ACV tập trung hoàn thành phương án cổ phần hóa, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án trong tháng 4/2015 và hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.

“Tùy theo tỷ lệ phần vốn Nhà nước mà Chính phủ quyết định giữ lại, phần còn lại sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư và các cá nhân. Đây là một hình thức thông dụng để tư nhân tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng không và đã được triển khai rộng rãi tại Việt Nam đối với lĩnh vực giao thông khác”, ông Thanh nói.

Tính toán của Cục Hàng không Việt Nam cho hay trong giai đoạn 2015-2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng, trong đó dự kiến khả năng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 30.724 tỷ đồng, chỉ bằng 13,3%; các nguồn vốn khác là vốn từ doanh nghiệp 23.968 tỷ đồng (10,1%), vốn ODA 60.541 tỷ đồng (26,4%), vay thương mại 4.615 tỷ đồng (1,7%).

Phần còn lại lên tới 110.367 tỷ đồng (48,8%) dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và PPP. Do đó theo ông Thanh, việc xã hội hóa đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước là một nhu cầu cấp thiết.

Hiện nay, đã có hàng loạt nhà đầu tư trong nước tính tham gia đầu tư vào lĩnh vực này như Vingroup, SunGroup, T&T, Vietjet...

Tăng trưởng thứ 3 thế giới


Trong hơn 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao, với tốc độ trung bình giai đoạn 2001-2014 là 14,5% về hành khách và 15,3% về hàng hoá.

Năm 2014, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam đạt 33,15 triệu khách (tăng 12,3% so năm 2013) và 741 nghìn tấn hàng hóa (tăng 18,5% so năm 2013), tăng tương ứng 5,8 lần và 6,4 lần so với năm 2001 (5,7 triệu khách và 116 nghìn tấn hàng).

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng.

Hiện nay, thị trường có 4 hãng hàng không Việt Nam, gồm Vietnam Airlines (VN), Jetstar Pacific Airlines (BL), VietJet Air (VJ) và VASCO, khai thác 111 tàu bay, 56 đường bay quốc tế, 46 đường bay nội địa.

Riêng Vietnam Airlines đang khai thác 81 tàu bay, vận chuyển 16 triệu lượt hành khách trong năm 2014, đứng thứ 5 trong khu vực về đội tàu bay (sau Garuda-129 chiếc, Singapore Airlines-108 chiếc, Malaysia Airlines-98 chiếc và Thai Airways 92 chiếc).