17:10 26/09/2018

Dịch bệnh hoành hành trên thế giới đẩy giá thịt lợn trong nước lên cao

Duyên Duyên

Các trang trại đang có xu hướng giữ đàn lợn, hạn chế bán ra nên dự báo giá thịt lợn hơi trong nước sẽ tiếp tục ở mức cao

Hiện nay đàn lợn nái nuôi tại các doanh nghiệp đã tăng bình quân 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Hiện nay đàn lợn nái nuôi tại các doanh nghiệp đã tăng bình quân 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Từ đầu tháng 9/2018 đến nay, giá lợn hơi trên cả nước vẫn duy trì ở mức cao do tác động của thông tin dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 20 ngày đầu tháng 9/2018, tại nhiều địa phương giá lợn hơi tăng tới 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 8/2018, nguyên nhân là do nguồn cung giảm nhẹ và tiêu thụ đang tốt lên.

Cụ thể, tại miền Bắc, hiện giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 53.000- 55.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên hiện giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 50.000- 53.000 đồng/kg; tại miền Nam, hiện giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 47.000- 53.000 đồng/kg.

"Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi chưa vào Việt Nam do đó người dân nên bình tĩnh, bởi lượng lợn hơi trong dân tuy có giảm, nhưng số lượng lợn hơi đang thời kỳ cho thịt tại các trang trại, doanh nghiệp hiện không thiếu", Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Mặt khác, theo tổng hợp báo cáo của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, hiện nay đàn lợn nái nuôi tại các doanh nghiệp đã tăng bình quân 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, khi giá thịt lợn hơi ở mức cao thì một bộ phận người tiêu dùng đã chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi khác như thịt bò, thịt gia cầm hay sản phẩm từ thủy sản, nên giảm áp lực đến nguồn cung sản phẩm thịt lợn.

Mới đây, nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh dịch tả lợn vào Việt Nam, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các cơ quan chức năng Việt Nam đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ các tỉnh của Hunggari và Ba Lan đang có dịch tả lợn áp dụng từ ngày 20/9/2018 cho đến khi Hunggari và Ba Lan công bố an toàn với dịch tả lợn Châu Phi.

Trong khi đó, cũng từ đầu tháng 9/2018 đến nay, ngành chăn nuôi toàn cầu gặp nhiều khó khăn bởi tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia diễn biến phức tạp và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang.

Tại Trung Quốc, sự bùng phát của dịch bệnh tả lợn Châu Phi (ASF) đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ căn bệnh này sẽ lan rộng ra khắp đàn lợn tại Trung Quốc, cũng như lan sang các nước khác ở Châu Á.

Theo tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính đến ngày 31/8/2018 có 38.235 con lợn đã bị nhiễm ASF tại 5 khu vực ở Trung Quốc. Tình hình dịch bệnh tả lợn tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp, 18 tỉnh của Trung Quốc đã bị cấm vận chuyển lợn sống và sản phẩm từ thịt lợn. Điều này khiến nguồn cung tại nước sản xuất thịt lợn lớn trên thế giới ngày càng thắt chặt.

Tại Canada, dịch tiêu chảy cấp trên lợn cùng với các lệnh kiểm soát môi trường của Chính phủ nước này khiến sản lượng thịt lợn giảm. Tại Hunggari, dịch tả lợn châu Phi (ASF) trên lợn rừng đã xuất hiện tại hai tỉnh Heves và Szabolcs-Szatmar-Berge.

Đáng chú ý tại Hoa Kỳ, trong 20 ngày đầu tháng 9/2018, giá lợn hơi giao tháng 10/2018 trên thị trường Chicago tăng trở lại, so với cuối tháng 8/2018 hiện giá lợn hơi tăng 7,2 Uscent/lb lên mức 59,1 Uscent/lb.

Theo dữ liệu công bố từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và tổng hợp từ Liên đoàn xuất khẩu thịt Hoa Kỳ, tháng 7/2018, tổng khối lượng thịt lợn xuất khẩu của Hoa Kỳ đạt 176.413 tấn, trị giá 465,3 triệu USD, tăng 1,5% về lượng, nhưng giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thịt lợn Hoa Kỳ đạt 1,45 triệu tấn, trị giá 3,83 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.