Điều gì có thể xảy ra tiếp theo với đàm phán thương mại Mỹ-Trung?
Goldman Sachs cho rằng khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt một thỏa thuận thương mại giờ đã giảm xuống
Lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về tăng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung "có thể đã vấp phải một điểm nghẽn"- ngân hàng Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo ra ngày 5/5 được hãng tin CNBC trích dẫn.
Theo báo cáo trên, khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đi đến một thỏa thuận thương mại giờ đã giảm xuống. Tuy nhiên, báo cáo cũng nói rằng một đợt nâng thuế quan mới là điều có thể tránh được, đặc biệt nếu phái đoàn Trung Quốc vẫn đến Washington để dự vòng đàm phán tuần này.
Đánh giá về lời đe dọa mà ông Trump đưa ra, các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs viết: "Đây là một sự dịch chuyển khỏi các tuyên bố lạc quan mà các quan chức Mỹ đưa ra trong mấy tuần qua, đồng thời cho thấy khả năng hai bên sớm đạt một thỏa thuận đã giảm xuống so với gần đây".
Mấy tuần vừa rồi, giới chức Mỹ đều nói đàm phán đang diễn ra tốt đẹp, và nguồn thạo tin có nói với CNBC rằng một thỏa thuận có thể được công bố trong tuần này. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn một số bất đồng về bảo vệ tài sản trí tuệ và quanh việc thuế quan nên được dỡ ngay hay dỡ dần.
Trong một loạt dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter vào ngày Chủ nhật, ông Trump dọa sẽ tăng thuế quan bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên mức 25% kể từ ngày thứ Sáu tuần này, từ mức 10% hiện nay. Ông Trump cũng cảnh báo sẽ sớm áp thuế bổ sung 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa.
Goldman Sachs vẫn tin Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận, dù khả năng này giảm xuống. Thậm chí, theo báo cáo, khả năng có một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung hiện đang cao hơn khả năng ông Trump áp thuế lên hàng Trung Quốc. Các chuyên gia của ngân hàng này hiện đặt khả năng 40% ông Trump đưa ra "đòn" thuế quan mới đối với Mỹ trong tuần này.
Theo Goldman Sachs, giới đầu tư sẽ có một tín hiệu rất rõ ràng để theo dõi. "Tín hiệu quan trọng nhất trong ngắn hạn là liệu phái đoàn Trung Quốc có đến Washington vào ngày 8/5 như kế hoạch đã định hay không. Nếu họ đến, thì đó sẽ là một dấu hiệu cho thấy họ vẫn tin có thể đạt một thỏa thuận với Mỹ".
Nếu đàm phán diễn ra như kế hoạch, nhưng nếu hai bên không đạt thỏa thuận trước khi kết thúc ngày thứ Năm, thì thuế quan có thể tăng lên vào ngày thứ Sáu như ông Trump đã cảnh báo.
Theo dự kiến, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu một phái đoàn khoảng 100 quan chức Trung Quốc tới Washington vào ngày thứ Tư nhằm đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, hai nguồn thạo tin nói với CNBC rằng phía Trung Quốc có thể sẽ hủy kế hoạch này.
Báo cáo của Goldman Sachs cảnh báo đây có thể là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài. "Nếu chuyến thăm tuần này bị hủy, thì một thỏa thuận đạt được trong tuần có vẻ là chuyện khó. Kịch bản như vậy khiến khả năng tăng thuế lên 25% trở thành kịch bản chính".
Theo số liệu của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), Mỹ nhập khẩu 539,5 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong năm ngoái, và chịu mức thâm hụt 419,2 tỷ USD về thương mại hàng hóa với đối tác này.
Nếu ông Trump làm đúng như những gì mà ông vừa cảnh báo, thì hầu như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ đều bị áp thuế quan bổ sung.
Tuy nhiên, Golman Sachs cho rằng vẫn còn hy vọng, bởi ông Trump có thẩm quyền "rút lại việc áp thuế thông qua một sắc lệnh điều hành nếu tiến trình đàm phán có bước tiến tốt đẹp".