17:30 10/04/2019

Doanh nghiệp địa ốc Tp.HCM “than” mất cơ hội vì thủ tục hành chính chậm

Ái Vân

Các doanh nghiệp kêu rằng, hiện tại, thủ tục hành chính vẫn là nỗi khổ của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Tp.HCM chủ trì buổi làm việc với các Các doanh nghiệp bất động sản ngày 10/4.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Tp.HCM chủ trì buổi làm việc với các Các doanh nghiệp bất động sản ngày 10/4.

Ngày 10/4, Lãnh đạo Thành ủy, UBND Tp.HCM đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn. Đối thoại với Lãnh đạo Thành phố, các doanh nghiệp kêu rằng, hiện tại, thủ tục hành chính vẫn là nỗi khổ của doanh nghiệp, dù trong thời gian qua, phía cơ quan quản lý đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất chậm.

Doanh nghiệp địa ốc kể khổ vì thủ tục hành chính

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết, thủ tục thực hiện một dự án phải qua 5 bước tiêu tốn mất 4-5 năm. Chính sự trì trệ về thủ tục đã làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Nếu như vẫn cứ tái diễn, chính quyền thành phố đồng ý rồi nhưng lại hồi tố sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Còn ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland nhấn mạnh rằng, thị trường huy động vốn thuận lợi nhưng khâu pháp lý rất chậm sẽ khiến doanh nghiệp gặp rủi ro về tài chính, cũng như quy trình rà soát chậm làm mất cơ hội của doanh nghiệp dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.

Hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản Tp.HCM còn gặp nhiều vướng mắc vì khâu thẩm định, tính tiền sử dụng đất. Hàng loạt các dự án đang bị ngưng trệ, không cấp được sổ cho người dân vì vướng thủ tục này. Như dự án chung cư cao tầng An Bình, số 787 đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú được Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2012. Đến ngày 10/05/2018, UBND thành phố mới có quyết định số 1937/QĐ-UBND về chuyển mục đích sử dụng đất của dự án.

Nhưng cho đến nay, dự án vẫn chưa được tính tiền sử dụng đất để Công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và làm thủ tục cấp "sổ đỏ" cho người mua nhà.

Hay trường hợp của Công ty TNHH MTV Địa ốc Sài Gòn Nam Đô (Công ty thành viên thuộc Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn là chủ đầu tư Dự án Khu chung cư kết hợp thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc tại số 79/81 Nguyễn Xí, Phường 26, quận Bình Thạnh theo Quyết định số 413/QĐ-UBND ngày 30/01/2015.

Dự án đã được nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng từ ngày 31/12/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa trình UBND thành phố phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất.

Thực trạng chậm tính tiền sử dụng đất dự án là vướng mắc chung mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải gánh chịu thiệt hại. Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện công tác xác định giá đất và phối hợp với Sở Tài chính để thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án.

Trong năm 2019 này, thu ngân sách và tăng trưởng của nền kinh tế Tp.HCM sẽ bị ảnh hưởng bởi bất động sản vốn là một trong những ngành đóng góp lớn cho tăng trưởng của thành phố.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, mức tăng trưởng của bất động sản ở quý 1/2019 thấp hơn so với cùng kỳ. Nguyên do, số lượng dự án giảm vì vướng ở nhiều vấn đề, trong đó phần lớn các dự án vướng vì quy định đất ở hợp pháp, chuyển mục đích sử dụng đất, thủ tục cấp vướng ở quy hoạch, quy định... 75% dự án xin đầu tư đều phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Xong, muốn chuyển đổi và lập quy hoạch lại phải được công nhận chủ đầu tư..... Vấn đề này không gỡ là sẽ không có dự án mới đưa ra thị trường!

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết, hiện nay, thành phố cũng gặp khó khăn vì những điểm sơ hở trong Luật, đây lại là ngoài khả năng giải quyết của thành phố. Tuy nhiên, nếu sai ở đâu thì phải sửa đó. Nếu vì lo lắng và nghi ngờ mà ngưng lại hết thì không nên. Trước việc chịu sự áp lực về phát triển chung nên thành phố rất quan tâm.

Dự án nào không vướng sai phạm thì tiếp tục thực hiện

Đối với 124 dự án được tiếp tục triển khai, thực hiện, những dự án nào thanh tra có sai phạm hoặc Công an đã thụ lý thì dừng lại. Còn, những dự án nào không vướng sai phạm thì tiếp tục thực hiện các thủ tục bình thường theo đúng pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM sớm công khai để doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện.

Ngay với 300 mặt bằng đất công đã công khai bán chỉ định nhưng nếu doanh nghiệp không mua thì thu hồi lại, không để lãng phí, ông Tuyến yêu cầu.

Một nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tính tiền sử dụng đất là vì quy định đất công phải đấu giá. Tuy nhiên thực tế có những trường hợp mà Luật không lường hết được khi quy định.

Đại diện Công ty Cổ phần Bất động sản Khải Thịnh cho biết, hiện vướng mắc này rất phổ biến tại nhiều dự án có quỹ đất hỗn hợp xen cài diện tích đất công (đường nội bộ, hẻm, lối đi, đường mòn, đất hở, kênh mương nội đồng...), thường chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 10% diện tích dự án. Trong đó, có nhiều dự án có tỷ lệ đất công chỉ chiếm dưới 5% diện tích dự án. Tất cả các dự án này hiện nay đang bị ách tắc việc tính tiền sử dụng đất.

Phần đất công này thường có hình dạng bất định hình; hoặc nằm phân tán; không thể xác định các chỉ tiêu quy hoạch chi tiết nên không thể hình thành dự án độc lập trong lòng các dự án. Nhà đầu tư khác cũng không thể thực hiện dự án riêng tại các mảnh đất nhỏ này được. Nhưng theo quy định của Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì về nguyên tắc "đất công phải thực hiện đấu giá".

Quy định này không thể áp dụng trong các trường hợp đã nêu vì không sát thực tế, không hợp tình, hợp lý, bất khả thi, song lại đang là ách tắc dẫn đến chủ đầu tư không được giao đất để triển khai, thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Xuân quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Nam Long, cho rằng, quy định giữa các luật đang có những chồng chéo khiến cho doanh nghiệp khó khăn trong việc thực thi. Các dự án đang ngưng trệ là nguyên nhân khiến cho nguồn cung ra thị trường ít ỏi, giá đất cao đã đẩy các nhà đầu tư ra khỏi thành phố đến các tỉnh xa để tìm kiếm cơ hội hoạt động. Hiện, tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp rất thấp, thậm chí có doanh nghiệp rơi vào cảnh tăng trưởng âm. Đó là tình hình chung.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến cho hay, hiện nay, thành phố đang đề xuất bán chỉ định cho doanh nghiệp phần đất công nhỏ lẻ xen cài trong các dự án. Hiện thành phố đang có hướng đề xuất, đất xen cài mà không quy hoạch thì sẽ quy hoạch theo toàn bộ của dự án.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Tp.HCM, việc xử lý các dự án trong quá trình triển khai thì vận dụng pháp luật là chính. Nếu mâu thuẫn do các quy định về luật thì Chính phủ và Bộ ngành phải sửa. Còn nếu, sai phạm của địa phương, tại các Sở, phòng thì người quản lý phải chịu trách nhiệm, cụ thể là Giám đốc Sở.

"Tôi đề nghị nên vẽ lại sơ đồ quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, để người nộp hồ sơ biết đường đi của hồ sơ và điểm tập kết. Cần có thời gian tối đa giải quyết hồ sơ, kể cả trường hợp ngoại lệ và phải công bố việc này. Không nên để hồ sơ nằm lâu một chỗ không có thời hạn", ông Nhân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cũng chia sẻ với các doanh nghiệp rằng, khi doanh nghiệp phát hiện cán bộ nào có hành vi ngâm hồ sơ, làm khó hãy phản ảnh trực tiếp lên lãnh đạo Sở, để chúng tôi có biên pháp xử lý cụ thể. Không phản ảnh chung chung khó xử lý và không giải quyết rốt ráo vấn đề. Hiện khâu vướng mắc nhiều, thành phố đang xin Thủ thướng tháo gỡ cho doanh nghiệp để thực hiện dự án nhanh hơn.

Các doanh nghiệp nhận định rằng, hiện nay, vốn FDI đầu tư đang tăng mạnh. Nếu Tp.HCM giải quyết được các ách tắc hiện tại thì thành phố sẽ có cơ hội thu hút được rất nhiều ngàn tỷ đồng.