Doanh nghiệp gạo được tháo "gông" nhưng xuất khẩu vẫn giảm hai con số
Luỹ kế 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 4,7 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,55 tỷ USD, giảm 18,8% về số lượng và 10,8% về giá trị
Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu, giá lúa, gạo nội địa, lượng gạo tồn kho.
Luỹ kế 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu gần 4,7 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,55 tỷ USD, giảm 18,8% về số lượng và 10,8% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân đạt 477,88 USD/tấn, tăng 46,9 USD/tấn.
Các loại gạo xuất khẩu gồm gạo cao cấp, gạo cấp trung bình, gạo cấp thấp, gạo thơm và nhiều loại gạo đặc trưng khác… Nếu tính cả các đơn hàng chưa giao, số lượng xuất khẩu đạt 5,7 triệu tấn.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc lên tới 1,4 triệu tấn. TIếp đó là Indonesia với 777.554 triệu tấn. Các thị trường lớn khác gồm Malaysia, Philippines, Hồng Kông, Cu Ba, Ghana, Iraq, Úc…
Báo cáo của Hiệp hội lương thực cũng thống kê sản lượng gạo còn tồn kho trong doanh nghiệp tính đến 30/9 khoảng 883.263 tấn. Trong đó, Tổng công ty Lương thực miền Nam đạt 182.129 tấn, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đạt 135.000 tấn, các doanh nghiệp hội viên khác là 566.135 tấn.
Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có hơn 140 doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo, trong đó, 3 doanh nghiệp được cấp sau khi Nghị định 107/2018 có hiệu lực vào ngày 1/10.
Nghị định 107/2018 thay thế Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo được giới chuyên gia đánh giá là đã tháo "gông" khi bãi bỏ một số điều kiện gây khó cho doanh nghiệp muốn gia nhập ngành kinh doanh này. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ không phải đầu tư kho chứa, không phải đăng ký xuất khẩu gạo qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam, không còn giá sàn xuất khẩu gạo...